CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số

Thứ Hai, 07/10/2024 | 15:16

Đầu năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có Kế hoạch 126 về thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xem đây là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp để hòa vào dòng chảy chuyển đổi số (CĐS), làm nền tảng để tỉnh bứt phá phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung trọng tâm của Kế hoạch là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử tỉnh, tiến tới chính quyền số, xã hội số. Thực tế cho thấy, trên từng ngành, từng lĩnh vực, cơ hội phát triển từ CĐS đã được tận dụng một cách hiệu quả!

Sở TT-TT phối hợp tập huấn vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bạc Liêu cho công chức sở, ngành, địa phương.

Thúc đẩy chuyển sang “kinh tế nông nghiệp”

Với lợi thế về nông nghiệp và du lịch, Bạc Liêu đang tích cực tận dụng CĐS để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Đây là một bước đi đúng đắn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện dịch vụ công và tạo ra những cơ hội mới.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế chung của Bạc Liêu. Để giữ vững vai trò đó, ngành Nông nghiệp đã thúc đẩy tiến trình CĐS gắn với cải cách hành chính. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết: Xác định CĐS là xu hướng tất yếu, có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, từ đó, đã tham mưu, phối hợp, triển khai thực hiện mô hình xây dựng ấp thông minh; ứng dụng một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; sử dụng hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử…

Song song đó, tuyên truyền, vận động nông dân từng bước thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ, thiết bị hiện đại từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực sản xuất. Có thể kể đến là ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gieo sạ (hiện có gần 100 chiếc máy bay); cấp, và quản lý mã số vùng trồng; sử dụng thiết bị dò cá bằng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy trong khai thác hải sản… Sở NN&PTNT hiện đang hợp tác với Viễn thông Bạc Liêu triển khai các bước tiếp theo của Dự án “Xây dựng và triển khai quản lý nông nghiệp thông minh” - một hợp phần trong Đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã và đang giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công khai bộ tiêu chí mô hình ấp thông minh tại ấp nông thôn mới kiểu mẫu - ấp 1B (xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long).

Tương lai của ngành Du lịch Bạc Liêu

Với nỗ lực CĐS trong hoạt động, tiềm năng du lịch thông minh của tỉnh cũng rộng mở cả trong ngắn hạn và lâu dài. Đó là lập trình các ứng dụng du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương, kết nối các dịch vụ du lịch, tạo trải nghiệm du lịch thú vị cho khách hàng. Một số ứng dụng trong lĩnh vực du lịch phù hợp với nhu cầu của địa phương mà cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở du lịch có thể tham khảo như ứng dụng đặt phòng, vé, chuyến (tua) du lịch trực tuyến, bản đồ du lịch thông minh, hướng dẫn viên ảo. Sở VH-TT&DL còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua thương mại điện tử, tiếp thị trực tuyến.

Có thể khẳng định du lịch thông minh là tương lai của ngành Du lịch cả nước và du lịch Bạc Liêu cũng không đứng ngoài cuộc. Khi ứng dụng công nghệ số vào ngành Du lịch, du khách sẽ có những trải nghiệm tốt hơn, thuận tiện hơn và các doanh nghiệp du lịch quản lý hoạt động hiệu quả hơn. Để đi trên con đường này, ngành Du lịch cần quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông để đảm bảo kết nối Internet ổn định, bảo đảm trải nghiệm liền mạch cho du khách; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghệ; khuyến khích người dân tích cực học hỏi, sử dụng các ứng dụng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng số để vận hành và phát triển các sản phẩm du lịch thông minh; đồng thời không xao nhãng công tác đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân của du khách.

CĐS là một tiến trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Với những tiềm năng và giải pháp phù hợp, Bạc Liêu hoàn toàn có thể trở thành một tỉnh dẫn đầu trong CĐS ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Bài và ảnh: Nguyễn Quốc

Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều

Xác định được tầm quan trọng của CĐS, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về “CĐS tỉnh Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP là một trong nhiệm vụ quan trọng đã và đang góp phần thay đổi phương thức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh - Ngô Vũ Thăng:  Kết quả chuyển đổi số sẽ là tiêu chí đánh giá cán bộ

Thời gian qua, công tác CĐS của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan: Trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư hiện đại, đồng bộ; ban hành danh mục dữ liệu dùng chung; dữ liệu số được tạo lập như lĩnh vực tư pháp, dữ liệu dân cư, một số dữ liệu về y tế và giáo dục, một số giải pháp an toàn thông tin cũng được đầu tư...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì CĐS tỉnh Bạc Liêu cũng còn nhiều khó khăn và hạn chế, như: nhận thức về CĐS ở một số cơ quan, địa phương chưa thật sự rõ ràng; chưa định hình được các nội dung triển khai CĐS trong đơn vị, địa phương, lĩnh vực mình quản lý; người đứng đầu tại một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến CĐS. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ CĐS tại một số sở, ngành, cấp huyện, cấp xã xuống cấp, thiếu đồng bộ, cơ sở dữ liệu của nhiều ngành còn chưa hình thành. Kinh phí dành cho CĐS chưa tương xứng với các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra…

Thời gian tới, để công tác CĐS được triển khai đồng bộ và hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp như sau: đưa kết quả triển khai CĐS thành chỉ tiêu đánh giá của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức; tiếp tục phát triển hạ tầng số; tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về CĐS; triển khai có hiệu quả Đề án đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu…

Cùng với đó, thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển chính quyền số; rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số. Đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến để thực hiện thanh toán chi phí mua sắm sản phẩm, dịch vụ một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và thời gian, từng bước hình thành và phát triển công dân số, văn hóa số, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số.

Ông Bùi Thanh Toàn - Giám đốc Sở TT-TT Bạc Liêu: Có khả năng không đạt tiến độ Đề án đô thị thông minh

Ngày 8/2/2022, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng và triển khai hạ tầng công nghệ thông tin (ICT) và nền tảng dữ liệu thông minh do Sở TT-TT làm chủ đầu tư, và hiện đang thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Công an tỉnh, Sở Xây dựng cũng đã trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án lĩnh vực an ninh, an toàn và quy hoạch đô thị. Các đơn vị chủ đầu tư còn lại đang trong giai đoạn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Tuy nhiên, trong tiến trình triển khai thực hiện Đề án và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư có phát sinh nhiệm vụ mới do bộ, ngành Trung ương giao cũng như sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc lồng ghép các nhiệm vụ vào Đề án; có sự thay đổi về cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; nguồn vốn đầu tư của tỉnh còn hạn chế, do đó, tỉnh đang tiến hành thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy mô đầu tư các dự án.

Bên cạnh đó, để Dự án Xây dựng và triển khai hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu thông minh triển khai đạt hiệu quả thì cần phải thực hiện đồng thời 5 dự án các lĩnh vực: an ninh, an toàn; quy hoạch đô thị; tài nguyên và môi trường; chính quyền số; y tế nhằm đảm bảo dữ liệu phục vụ cho dự án. Song, đến nay  các đơn vị chưa thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng Dự án Xây dựng và triển khai hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu thông minh. Do đó, Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu có khả năng không đạt tiến độ đề ra.

Thượng tá Nguyễn Quang Phong - Giám đốc Viettel Bạc Liêu: Tiếp tục đồng hành cùng tỉnh chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa

Viettel Bạc Liêu đã và đang tích cực tham gia CĐS của tỉnh Bạc Liêu. Với tư cách là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, Viettel đã và đang mang đến những giải pháp công nghệ tiên tiến, góp phần cung cấp tiến trình CĐS toàn diện trên địa bàn.

Đơn vị đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng và nâng cấp hệ thống mạng viễn thông, bao gồm cả mạng 4G và 5G, đảm bảo kết nối ổn định và tốc độ cao cho người dân và doanh nghiệp. Viettel không chỉ cung cấp các dịch vụ cơ sở viễn thông mà còn mang đến nhiều giải pháp chuyển đổi toàn diện, như: chính quyền điện tử, doanh nghiệp số, xã hội số, đào tạo và nâng cao nhận thức CĐS…

Điển hình như, hỗ trợ tỉnh xây dựng, vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh - đây là bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu hình thành đô thị thông minh. Trung tâm sử dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhất do Viettel nghiên cứu, làm chủ. Cùng với đó là triển khai ứng dụng Công dân số (Bạc Liêu Smart) trên thiết bị di động làm kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

Trên lĩnh vực giáo dục, Viettel Bạc Liêu phối hợp triển khai học bạ số từ năm học 2023 - 2024 tại 90 trường học ở TP. Bạc Liêu, huyện Phước Long và huyện Đông Hải, từ cấp tiểu học, THCS đến THPT và giáo dục thường xuyên. Có 3.389 giáo viên ở 3 địa bàn này được cấp chữ ký số và 65.986 học sinh được cấp học bạ số.

Trong thời gian tới, Viettel Bạc Liêu chắc chắn sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp mong được đồng hành cùng tỉnh nhà thực hiện CĐS một cách mạnh mẽ hơn nữa, thành công hơn nữa.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.