CHUYỂN ĐỔI SỐ
Xây dựng đề án chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh nhìn nhận: Từ năm 2020 đến nay, Bạc Liêu tiến hành CĐS chưa đúng hướng, dẫn đến xếp hạng chỉ số CĐS cấp tỉnh của địa phương luôn thấp nên cần xây dựng lại từ đầu đề án CĐS, ưu tiên lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tạo dựng cơ sở dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
CĐS đạt bước tiến quan trọng
Năm 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công cuộc CĐS tại Bạc Liêu, đặc biệt trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các cơ quan nhà nước. Sự thay đổi tích cực này được thể hiện rõ nét qua việc văn bản điện tử và số hóa ngày càng phổ biến, dần thay thế văn bản giấy truyền thống, từ đó nâng cao hiệu quả và tốc độ xử lý công việc.
Một điểm sáng khác là hệ thống báo cáo của tỉnh đã có sự kết nối và tích hợp dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ. Điều này giúp việc chia sẻ thông tin trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, đặc biệt là trong việc nắm bắt và phân tích các chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Bạc Liêu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi kết nối và đồng bộ xác thực trên 98% số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý và đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang tích cực triển khai thí điểm các phần mềm quản lý trong nhiều lĩnh vực quan trọng, như: đất đai, giao thông, xây dựng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Những nỗ lực này không chỉ giúp cho việc quản lý nhà nước trở nên hiệu quả hơn mà còn tạo tiền đề cho việc xây dựng một chính quyền số hiện đại và minh bạch trong tương lai.
Công an tỉnh làm thủ tục cấp Căn cước cho công dân. Ảnh: N.Q
Ưu tiên dịch vụ công trực tuyến
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, thứ hạng của Bạc Liêu trong các chỉ số liên quan đến CĐS thường ở nhóm cuối cả nước, khiến Chủ tịch UBND tỉnh rất trăn trở. Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là Sở TT-TT nhanh chóng học tập kinh nghiệm CĐS từ các tỉnh lân cận có điều kiện tương đồng nhưng thực hiện tốt hơn, đó là Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang; chủ trì, phối hợp tham mưu cho Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh xây dựng Đề án CĐS tỉnh Bạc Liêu để có thể thực hiện từ nhiệm kỳ sau.
Trước mắt, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ ưu tiên đẩy mạnh CĐS các dịch vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp, bao gồm: khám, chữa bệnh; cấp đổi, cấp mới giấy phép lái xe; hộ tịch, tư pháp; giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh; thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường...
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ kết nối và chia sẻ dữ liệu để tích hợp, đồng bộ các dữ liệu dùng chung, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng.
Đảng ủy UBND tỉnh sẽ kiểm tra công tác CĐS
Năm 2025, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bạc Liêu đặt ra mục tiêu: 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng DVCTT trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được định danh và xác thực thông qua ứng dụng định danh điện tử (VNeID) cũng phấn đấu đạt 100%.
Kinh tế số được kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP). Trong lĩnh vực giáo dục, tất cả cơ sở giáo dục công lập sẽ triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Đối với ngành Y tế, toàn bộ bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh sẽ triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID.
Để đạt được những mục tiêu trên, công tác kiện toàn nhân sự làm CĐS tại các đơn vị, địa phương cũng được chú trọng. Việc sắp xếp và kiện toàn này sẽ được thực hiện theo đề án và kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng và hiệu quả cho công tác CĐS tại từng đơn vị, địa phương.
UBND tỉnh đã xác định rõ quyết tâm tiếp tục công cuộc CĐS một cách đúng hướng và quyết liệt, đồng thời ưu tiên các nguồn lực để triển khai. Để đảm bảo hiệu quả, giám đốc và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả CĐS.
Bạc Liêu sẽ ứng dụng công nghệ vào hoạt động đo lường kết quả CĐS, nhằm đánh giá khách quan và chính xác những tiến bộ đạt được. Song song đó, Đảng ủy UBND tỉnh sẽ kiểm tra công tác CĐS của các cơ quan, địa phương, qua đó kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu CĐS đã đề ra.
.................................................................................................................................................................................................................................
Ông Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Sở GT-VT: Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông
Đầu năm nay, UBND tỉnh đã cho phép Sở triển khai xây dựng thử nghiệm dịch vụ “Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Bạc Liêu trên nền bản đồ số”. Sở đã lựa chọn được đơn vị tham gia thử nghiệm và đang tiến hành xây dựng giải pháp, phương án kỹ thuật và công nghệ cho hệ thống.
Sau khi quá trình thử nghiệm kết thúc và có kết quả, Sở sẽ phân tích cụ thể, chi tiết để trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận hình thức đầu tư (đầu tư công hay thuê dịch vụ công nghệ thông tin) trước khi triển khai thực hiện.
Việc thử nghiệm dự kiến hoàn thành trong quý 1/2025, sau đó sẽ trình UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến phần mềm Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Bạc Liêu trên nền bản đồ số sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác trong năm.
Ông Hồ Văn Linh - Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình: Tỷ lệ giải quyết hồ sơ chậm tiến độ trên 20%
Mặc dù có những tiến triển nhất định, nhiều người dân vẫn chưa thật sự quen hoặc chưa biết đến dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến việc họ vẫn thường xuyên đến nộp hồ sơ trực tiếp tại các cơ quan nhà nước.
Quá trình giải quyết hồ sơ dịch vụ công qua mạng vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa được khắc phục. Trong năm 2024, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết chậm tiến độ vẫn duy trì ở mức cao, trên 20%. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trễ này là do lãnh đạo và chỉ đạo cải cách hành chính ở một số nơi chưa đủ mạnh mẽ; đồng thời, còn công chức, viên chức chưa tuân thủ nghiêm ngặt trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, không cập nhật phương pháp làm việc, thiếu tích cực và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, cũng như thiếu sự chủ động trong việc đề xuất các giải pháp để giải quyết công việc.
Nguyễn Quốc
- Tiếp tục cấp đổi GPLX ô tô đối với những trường hợp sắp hết hạn
- Hội thảo Công bố kết quả nghiên cứu về “Tăng cường sự tham gia vào lãnh đạo, quản lý của phụ nữ tại tỉnh Bạc Liêu”
- Hội thi công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2025
- Hội thảo "Ứng dụng phương pháp giáo dục STEM/STEAM trong cơ sở giáo dục mầm non"
- Tổng kết công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương và địa phương