Cùng bàn luận

AN DÂN TRONG MÙA DỊCH

Thứ Hai, 09/08/2021 | 18:03

An dân là việc tối quan trọng của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. An dân trong hoàn cảnh đất nước gặp hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh… càng quan trọng hơn.

Đại dịch COVID-19 ập đến và hoành hành trên phạm vi cả nước đã tàn phá đến sức khỏe, đe dọa mạng sống bao con người với một tốc độ lây lan nhanh, với bình diện rộng… đã gây ra những bất an, lo lắng là điều dễ nhận thấy.

Hệ lụy của đại dịch chết chóc này đã gây xáo trộn mọi mặt của đời sống - xã hội. Mấy tháng qua - nhất là khi bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều vùng miền, khu vực, xã phường, nhà máy, chợ truyền thống, bệnh viện, trường học… bị phong tỏa, cách ly thì nhiều vấn đề khó đã bắt đầu bộc lộ, làm đảo lộn đời sống của nhiều người… Trong các cái khó đó, có cái khó của Chính quyền trong thực thi các yêu cầu giãn cách và đảm bảo an sinh cho người dân. Chỉ có an sinh thì người dân mới an tâm, an lòng “sống chung với dịch” một cách có trật tự… Người dân chỉ an tâm khi cảm giác của họ thấy rằng cả sinh mạng và sinh kế của mình được quan tâm, chăm lo, ứng cứu…

Với tầm nhìn xa, trông rộng từ đầu đại dịch cho đến bây giờ, lúc nào Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cũng hướng về Nhân dân. Mọi hành động, việc làm đều vì Nhân dân. An dân là lo cho dân an lành, quyền lợi chính đáng của người dân được đảm bảo, đời sống (cả vật chất lẫn tinh thần) trong chừng mực nhất định, trong điều kiện cụ thể được chăm sóc chu đáo.

An dân trong mỗi thời đoạn, cấp độ hoành hành của dịch cũng được linh hoạt, thay đổi để phù hợp, thích nghi. Hiện nay khi người nhiễm bệnh đã lên đến con số hơn 200.000 người và đã lan rộng đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước… thì việc an dân phải được tập trung cho việc cứu người - tập trung cho các ca bệnh nặng, rất nặng là ưu tiên số một trong các ưu tiên. Phác đồ phòng chống dịch theo phương châm: Phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tích cực… đôi khi cũng cần điều chỉnh cho thích hợp với thực tế - TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Khi số bệnh nhân tăng cao (TP. Hồ Chí Minh đến nay đã vượt con số 100.000 đã nhiều ngày) thì thành phố có ngay sự thay đổi biện pháp chống dịch (đến nay đã qua 6 lần thay đổi). Việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn, mà đếm bao nhiêu ca khỏi bệnh, chuyển nặng và số ca tử vong để có biện pháp điều trị, tập trung cho điều trị. Thành phố chỉ đạo chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị y tế để ưu tiên, tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Xây dựng các mô hình điều trị F0 từ “tháp 4 tầng” rồi “tháp 5 tầng” phù hợp với số ca nhiễm tăng lên. Mở rộng các cơ sở điều trị, đáp ứng đủ để mọi người đều được tiếp cận, được chăm sóc, điều trị tốt…

Ưu tiên số 2 để đảm bảo an dân là tìm đủ nguồn vắc-xin một cách nhanh nhất để bao phủ cho toàn dân. Đây là công việc được Đảng, Nhà nước đã tích cực, nỗ lực bằng nhiều con đường, trực tiếp, gián tiếp, ngoại giao, quan hệ truyền thống… để có được vắc-xin cho Nhân dân. Bên cạnh, còn tích cực đàm phán để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và cả thuốc điều trị COVID-19 từ các nước có nền y học hiện đại, các nước bạn bè truyền thống lâu đời… một cách sớm nhất để góp phần chữa trị, cứu sống người bệnh.

Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, không chỉ sức khỏe bị tàn phá mà cái đói, cái khát cũng bị đe dọa không kém. Thời gian càng dài ra thì càng làm kiệt lực người dân trong mọi bình diện. Trong chừng mực nào đó, nếu đem so sánh thì đôi khi cái ăn, cái mặc, thiếu đói còn bị đe dọa, đáng lo hơn cả virus - người lao động, người nghèo, người yếu thế… là những nạn nhân virus gọi tên đầu tiên - và chắc chắn họ cũng là người sau cùng, dai dẳng đeo bám bởi sự thiếu trước, hụt sau cho đến khi đại dịch bị dập tắt…

Thực tế mấy ngày qua, nhiều đối tượng nói trên ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... ùn ùn kéo nhau về quê trốn dịch. Nhưng lý do chính trước hết không phải vì sợ virus mà là lo cho cái ăn. Bởi đồng tiền, bát gạo tích lũy cuối cùng đã được “vét ống” trong khi con virus quái quỷ thì không biết bao giời mới bị kết liễu?!

Thấu hiểu, sẻ chia với những hoàn cảnh này, Chính phủ đã kịp thời ban hành các gói hỗ trợ để người nghèo sống “cầm cự qua mùa dịch”. Bên cạnh các gói hỗ trợ bằng vật chất, bằng tiền, Chính phủ cũng đã có nhiều chủ trương miễn giảm tiền điện, tiền nước, các gói dịch vụ viễn thông… cho người dân trong vùng giãn cách (theo Chỉ thị 16 của Chính phủ). Nhà nước, các đoàn thể, những tấm lòng hảo tâm đã phát động, khơi gợi tinh thần: “thương người như thể thương thân, bầu ơi thương lấy bí cùng, tương thân tương ái…” để huy động sự giúp đỡ, chia sớt lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn… để sưởi ấm cho người nghèo, người yếu thế… tình thương yêu của con người, để họ không đơn độc trong mùa dịch hiểm ác… Những việc làm, hành động nhân văn ấy đã khơi gợi, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Nhà nước, Chính phủ. Đó cũng là thông điệp “Chính phủ không để ai bị đói khát, bệnh tật, bị tổn thương trong mùa dịch, đúng nghĩa với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau”!.

Có thể nói, việc giúp người dân, đặc biệt là người nghèo khi dịch bệnh, không có thu nhập để lo cho cái ăn, cái mặc; trong lúc chưa biết bám víu vào đâu.. càng làm cho người dân nhận ra rằng: Người nghèo, người yếu thế và mọi người dân nói chung luôn có Nhà nước ở phía sau chăm lo, hỗ trợ. Niềm tin của người dân đối với Nhà nước, Chính phủ cũng vì thế được củng cố, nhân lên.

Một khi đã an dân thì việc gì cũng thành công như Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”!.

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.