Cùng bàn luận

Bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững

Thứ Hai, 28/11/2016 | 17:17

Tái cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế đã được Đảng, Nhà nước ta nhận thức rõ, song vẫn chưa được các cấp thực hiện quyết liệt.

Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững” vừa được ban hành, đã nêu lên chủ trương, giải pháp cụ thể cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công với mục tiêu bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2020, cân đối ngân sách Nhà nước tiếp tục khó khăn, khả năng thu tăng không lớn, đặc biệt thu ngân sách từ dầu thô giảm mạnh do sản lượng và giá không tăng, thu từ xuất nhập khẩu giảm do phải liên tục cắt giảm thuế để hội nhập, trong khi áp lực chi ngày càng tăng.

Tuy nhiên, khó khăn từ việc thu ngân sách từ các mặt hàng chủ lực như dầu thô nên được xem là cơ hội để chúng ta hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, tập trung khai thác các nguồn thu còn dư địa. Bên cạnh tăng thu, việc chống lãng phí cần phải đặc biệt coi trọng vì lâu nay, không ít bộ, ngành, địa phương có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước, chưa chủ động huy động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ. Không hiếm các dự án, đề tài, công trình được “vẽ” ra rất "hoành tráng" nhưng khi hỏi “tiền đâu” thì hầu hết đều nằm chờ ngân sách Nhà nước rót xuống, trong khi hiệu quả mang lại cho cộng đồng, xã hội vẫn còn là một dấu hỏi.

Vì vậy, đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương cũng cần phải cân nhắc lại từng dự án của bộ, ngành, địa phương mình, chỉ nên tập trung đầu tư đối với những dự án thật sự thiết thực, cấp bách đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; kiên quyết tránh sự dàn trải, lãng phí, làm ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.

Không chỉ tăng thu, chi tiêu hợp lý, hiệu quả, mà về lâu dài, việc mở rộng quy mô nền kinh tế để tạo ra nguồn thu là giải pháp căn cơ, bền vững để ngân sách Nhà nước không bị thâm hụt, từng bước “giảm nhiệt” nợ công. Bên cạnh đó, để đổi mới cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, cần xác định mục tiêu quan trọng nhất là kích thích tăng trưởng kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô và thành lập mới doanh nghiệp. Thời gian gần đây, Chính phủ liên tục kêu gọi người dân, nhất là thanh niên tích cực hăng hái tham gia khởi nghiệp, bởi mô hình này phù hợp với nền kinh tế đang hội nhập của nước ta hiện nay.

Có thể nói, một trong những giải pháp thiết thực nhất hiện nay để góp phần bảo đảm cho nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững là phải đề cao ý thức triệt để thực hành tiết kiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong chi tiêu ngân sách và trong chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh. Cần quán triệt nghiêm túc tinh thần là phải "có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội" như người đứng đầu Chính phủ đã nêu ra.

LƯƠNG AN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.