Cùng bàn luận
Bảo vệ quyền riêng tư của người dân
Hiện nay, cơ sở hạ tầng không gian mạng phát triển nhanh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, nghề, dịch vụ kinh doanh có liên quan tới dữ liệu cá nhân phát triển nhanh chóng. Dữ liệu cá nhân trở thành “tài sản” quan trọng, là “nguyên liệu” chính cho nhiều ngành, nghề, dịch vụ, tạo ra giá trị lợi nhuận lớn, tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam xây dựng thành công Chính phủ số, xã hội số.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, sự phát triển nhanh của khoa học - công nghệ cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tình trạng lộ, mất, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra công khai, phổ biến trên không gian mạng, tác động ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã đấu tranh, triệt phá 14 vụ án, với hơn 30 bị can. Nhiều đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Trong đó, có vụ dữ liệu cá nhân bị thu thập lên tới 1.300GB, với hàng tỷ dữ liệu cá nhân.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa cao. Nhiều người có tâm lý sẵn sàng đánh đổi dữ liệu cá nhân để lấy tiện ích về mặt công nghệ. Các nhóm tội phạm mạng gia tăng hoạt động tấn công vào các hệ thống dữ liệu lớn nhằm chiếm đoạt dữ liệu cá nhân để mua bán, trục lợi, lừa đảo…
Thực trạng trên đòi hỏi phải sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chính phủ ban hành (ngày 17/4/2023) đã có những quy định cụ thể về dữ liệu cá nhân, thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan trong việc thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân; cơ quan chuyên trách được giao nhiệm vụ triển khai các biện pháp quản lý nhà nước để bảo vệ dữ liệu cá nhân và các thủ tục hành chính liên quan.
Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; là sự thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng; ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, quản lý, sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, Nghị định còn là tiền đề quan trọng để triển khai, đúc rút và nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian tới.
NGUYỄN VĂN ĐƯƠNG
- Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả
- Dự án mở rộng đường vào di tích lịch sử quốc gia gia đặc biệt có nguy cơ chậm tiến độ!
- Quy định quản lý đường giao thông trên địa bàn Bạc Liêu
- Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia
- Xuất khẩu gạo quý 1/2025 đạt hơn 2,2 triệu tấn