Cùng bàn luận

BỆNH… AN PHẬN

Thứ Sáu, 19/07/2019 | 18:20

Với người bình thường, an phận có thể được châm chước. Với họ, “an phận” cũng sẽ không gây ảnh hưởng gì đến ai. Đôi khi người ta còn cảm nhận họ là “người lành”. Sống bên cạnh họ ta thấy yên tâm hơn - dù không chờ đợi, học hỏi được điều gì đó ở họ. Đa số họ là người nhu nhược, thụ động, không cầu tiến, luôn níu giữ và bằng lòng với cái vốn có như bản chất của họ…
Nhưng đã là cán bộ, đảng viên mà có tâm lý “bằng lòng, an phận” là một… căn bệnh, là thiếu sót, khuyết điểm, cao hơn là cái… tội. Vì sao? Đơn giản, dễ hiểu vì cán bộ, đảng viên là “người của Nhà nước” - người được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách và có trách nhiệm, phận sự phục vụ nhân dân. Dễ hiểu hơn, vì anh là người ăn lương Nhà nước - mà lương đó do chính nhân dân đóng góp để “nuôi sống” anh hằng ngày. Vậy mà anh cứ “bình chân như vại”, an phận không động não vận động, buông lỏng trách nhiệm của mình… thì đó là gì - nếu không phải là cái… tội?
Mới đây, trong Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng (ngày 5/7/2019) trong dự thảo báo cáo sơ kết tình hình các mặt công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm có một đoạn nhận xét đáng suy ngẫm: “Vấn đề cần được đánh giá nghiêm túc đó là không loại trừ tâm lý “an phận”, bằng lòng với kết quả đạt được của một số cán bộ khi vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu”.
“Bằng lòng, an phận” trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ hoặc sắp nghỉ hưu của một số cán bộ là một thực tế - một thực tế thiếu tích cực, dù nhìn ở góc độ nào. Đây có phải là sự bằng lòng, an phận như bản chất của người bình thường đã nói ở phần trên? Chắc là không. Mà đây là sự “co thủ”, “án binh bất động”, một sự an phận trong tham vọng, chờ thời gian nhạy cảm qua đi (thời gian cuối nhiệm kỳ là để bắt đầu nhiệm kỳ mới) để đạt được tham vọng cho cả quá trình “ngụy trang” trước đó (trước cuối nhiệm kỳ). Phải chăng đây là hành vi của kẻ cơ hội?
Người cộng sản chân chính phải là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước mọi hoàn cảnh, mọi thời gian - sự cống hiến, dấn thân cho nước, cho dân được ghi nhận, đón nhận là ở những lúc gian khổ nhất - chứ sao lại an phận né tránh thời gian nhạy cảm?
Thiết nghĩ cũng cần nhắc lại để mọi người đừng quên là gần đây, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương - như một thông điệp rõ ràng rằng: không có vùng cấm trong tham nhũng, tiêu cực, khuyết điểm và cũng không có sự “hạ cánh an toàn” nếu có vi phạm, khuyết điểm (một loạt cán bộ - kể cả cán bộ nghỉ hưu bị xử lý là những điển hình cụ thể). Đây được xem là một “sắc lệnh” rắn cho tất cả cán bộ, đảng viên nếu không hoàn thành trọng trách của mình, và nếu vi phạm, khuyết điểm.
Sự “an phận”, “bằng lòng” mà gây ảnh hưởng, gây hậu quả, làm “nguội lạnh” phong trào cách mạng… thì chắc chắn anh cũng không tự “thoát ra khỏi vùng cấm”, vì vậy cũng đừng “bằng lòng” với thời khắc sắp nghỉ hưu!
Trước khi kết thúc mấy dòng suy ngẫm này, xin được vài nét “khắc họa chân dung” của một bộ phận cán bộ, đảng viên có tâm lý “bằng lòng”, “an phận” để mọi người dễ nhận dạng: Đó là dạng người cầu an, ngại va chạm, nhu nhược, không có chính kiến, cái gì cũng phân hai, thụ động, sống trong vỏ ốc. Sẵn sàng đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Nhưng khi có thành tích thì hô vang, khi có khó khăn, khuyết điểm thì né tránh, xem đó là chuyện của ai, không phải mình…
***
Bằng lòng, an phận của cán bộ, đảng viên trong cuối nhiệm kỳ là sự thụ động, cầu an có… ý thức. Vì vậy việc Tỉnh ủy yêu cầu “cần đánh giá nghiêm túc” chắc không phải ngẫu nhiên. Bởi đó là sự cản trở, làm “đứng lại” các phong trào. Nói một cách lý luận, “đứng lại là… thụt lùi”. Nói theo các nhà tâm lý thì an phận, bằng lòng là một… căn bệnh!
Đã là căn bệnh thì cần phải được “trị liệu” đến nơi, đến chốn!
N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.