Cùng bàn luận

Bệnh “sợ trách nhiệm”!

Thứ Tư, 22/11/2023 | 17:01

Mới nghe qua, thấy có gì đó vô lý. Trách nhiệm của mình sao lại… “sợ”! Nhưng rất tiếc, sợ là điều có thật mà dư luận và báo chí đã nhiều lần đề cập, phản ánh, phê phán… nhưng căn bệnh “sợ trách nhiệm” chẳng những chưa chấm dứt mà còn có chiều hướng gia tăng, phổ biến và lan rộng…

“Sợ trách nhiệm” là thế nào? Theo Đại Từ điển Tiếng Việt: “Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình”. (Từ điển không có từ “sợ” đi liền với trách nhiệm. Sở dĩ nó có ở đây là do những người… tiêu cực “gắn” vô). Trách nhiệm là nghĩa vụ mà con người ta - cụ thể là cán bộ, đảng viên phải có nhiệm vụ gánh vác, nếu không hoàn thành sẽ phải chịu trách nhiệm với Nhân dân! Như vậy, sợ trong hoàn cảnh này là không có gì sai, sợ theo nghĩa tích cực. Sợ theo tâm lý bình thường, sợ không hoàn thành nhiệm vụ, sợ mình không gánh vác nổi dẫn đến nhiệm vụ không tròn… Điều đó còn có thể được cảm thông, chia sẻ vì đó là cái “sợ… tích cực”, “sợ có trách nhiệm”!

Còn cái “sợ có trách nhiệm” đang nói đến là đáng lên án, phê phán vì “sợ”… tiêu cực! Sợ nhưng lại thiếu trách nhiệm, thiếu tâm huyết, đùn đẩy trách nhiệm, đùn đẩy công việc của mình cho người khác; sợ mất chức, mất quyền, nhưng khư khư giữ lấy ghế, bảo thủ, tham quyền, cố vị, không dám làm, thiếu dũng khí đấu tranh; muốn địa vị cao nhưng sợ trách nhiệm nặng… Nói gọn lại, đó chính là cái “sợ trách nhiệm”… tiêu cực của những kẻ tiêu cực. Dân dã cho đây là “cái sợ không ai thương”, “cái sợ đáng ghét”!

Nói một cách lý luận thì căn bệnh “sợ trách nhiệm” là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, có nguồn gốc từ chính chủ nghĩa cá nhân. Thực chất của căn bệnh này chính là sợ bị liên lụy, sợ bị quy trách nhiệm, sợ bị ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân. Nói cách khác, căn bệnh “sợ trách nhiệm” là căn bệnh “để chủ nghĩa cá nhân mọc mầm trong ý thức, tư tưởng của mình”.

Điều đáng lo ngại là căn bệnh “sợ trách nhiệm” có chiều hướng diễn ra khá phổ biến và ngày càng gia tăng trong đội ngũ cán bộ, lan rộng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực… khiến nhiều công việc bị trì trệ, ách tắc, nhiều nguồn lực của đất nước không được phát huy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, kìm hãm tiến trình vươn lên về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đây là nhận định có tính thống nhất từ các cấp lãnh đạo.

Chắc nhiều người chưa quên câu chuyện trong lĩnh vực y tế của thời hậu COVID-19 mà hậu quả của nó đến giờ vẫn còn âm ỉ. Cũng vì “sợ trách nhiệm”, “sợ sai”, “sợ bị kỷ luật”… nên nhiều tỉnh, thành, địa phương, cơ sở y tế… không dám đấu thầu, đấu giá mua sắm thiết bị, thuốc men, vật tư y tế, dẫn đến “khủng hoảng thiếu”. Nhiều bệnh nhân phải “mòn mỏi” chịu đựng vì những nỗi sợ ấy. Sợ nên không dám tham mưu, sợ nên né tránh, sợ nên e dè, đùn đẩy công việc cho người khác, nơi khác…

Hay trong việc phát triển kinh tế - xã hội, mà cụ thể là việc tăng trưởng của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi những nỗi sợ này. Cái điều dễ hiểu là muốn tăng trưởng, trước hết phải có guồng máy hoạt động, muốn hoạt động phải có sự điều hành, phải có con người thực thi… Trong khi đó, những người có trách nhiệm thì lại “sợ trách nhiệm”, không dám làm, không dám đề xuất, thực hiện… thì hậu quả thế nào chắc không cần bàn cãi. Chính việc đùn đẩy đã làm cho việc phát triển kinh tế - xã hội bị trì trệ. Đáng lo hơn là cái việc đùn đẩy vẫn luôn “hiện hữu” ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Những người “sợ trách nhiệm” đã “sáng tạo” ra nhiều hình thức đùn đẩy. “Đẩy” cho người khác, “đẩy” cho ngành ngang, “đẩy” cho cấp trên… còn mình chỉ việc ngồi chờ! Nhưng cấp trên cũng “linh hoạt” không kém: khi cấp dưới bí bách, không làm được, làm văn bản hỏi cấp trên - cấp trên lại trích quy định và “đề nghị làm theo luật”. Phải chăng đây cũng là một hình thức đùn đẩy - “đùn đẩy đúng nguyên tắc sợ… trách nhiệm”?!

Nhận thấy được tính nghiêm trọng và mức độ nguy hại của sự gia tăng căn bệnh “sợ trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định, chỉ đạo xử lý mạnh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng đẩy lùi, khắc phục căn bệnh sợ trách nhiệm, nêu cao tinh thần của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của công cuộc phát triển đất nước.

Muốn làm được điều đó, cần có sự quyết liệt, quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương và của Nhân dân. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định chức trách nhiệm vụ, yêu cầu bắt buộc đội ngũ cán bộ, công chức tùy theo vị trí công tác và chức vụ phải đảm nhiệm, đồng thời phải có chế tài cụ thể, rõ ràng để xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ có những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên, lên trước lợi ích tập thể, cộng đồng, quốc gia.

Mặt khác cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng hết sức vì Nhân dân phục vụ.

Trong Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ có nêu rõ: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”.

Có thể nói, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị là “bửu bối” trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhằm đẩy lùi căn bệnh “sợ trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc chỉ đạo, điều hành, xử lý, giải quyết công việc…

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị là liều thuốc chữa lành căn bệnh “sợ trách nhiệm” của cán bộ, công chức!

N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu đồng nghiệp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.