Cùng bàn luận
Biến nỗi đau thành hành động!
Cứ mỗi khi một vụ việc xâm hại trẻ em được phanh phui, bất cứ ai cũng cảm thấy sôi sục, vô cùng chua xót. Nhưng chỉ mãi đau, mãi lên án thôi chưa đủ, điều cần là phải biến nỗi đau thành hành động mạnh mẽ!
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) chiếm hơn 60% là con số thống kê của Bộ LĐ-TB&XH. Song thực tế, những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, do đó những con số được nêu ra có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Mổ xẻ các vụ xâm hại trẻ em, những con số đau lòng khác được thống kê: trong 3 năm, từ 2015 - 2018 từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho thấy, đa phần trẻ em bị XHTD bởi người thân quen. Cụ thể hơn, tỷ lệ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%; bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%; bởi người lạ là 12,6%. Những cho số này cho thấy sự nguy hại khi những “yêu râu xanh” lại chính là ông, cha, chú - những người thân yêu và đáng tin cậy của các em.
Nguyên nhân chung chủ yếu của tình trạng trên đã nhiều lần được lãnh đạo Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra là do công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật hiệu quả chưa cao, phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm chưa thật sự sâu rộng, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong quản lý giáo dục trẻ em chưa chặt chẽ. Đáng nói, nhiều gia đình thiếu quan tâm, thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ con cái, công tác giáo dục trong nhà trường về giới tính, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh khi có nguy cơ xâm hại còn nhiều mặt hạn chế. Việc tố cáo, trình báo tội phạm XHTD trẻ em thường chậm nên công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn.
Làm thế nào để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh? Nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trước hết thuộc về gia đình, chứ không phải ở đâu khác. Điểm mấu chốt là các bậc cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm sâu sát, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý cần thiết. Cha mẹ cũng cần dạy con những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết và cách thức phòng vệ tự bảo vệ bản thân mình. Đặc biệt, cần tăng mức hình phạt thích đáng, nghiêm khắc và không thể có sự khoan hồng đối với tội phạm XHTD trẻ em để đảm bảo tính răn đe, cảnh báo cho toàn xã hội.
Một giải pháp khác nhiều lần được các chuyên gia khuyến nghị tại các diễn đàn về bảo vệ trẻ em là cần đưa các chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy trong các nhà trường.
Xâm hại trẻ em, ai lo? Quả thật, mỗi chúng ta đều có thể góp phần tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em bằng chính tình yêu thương, trách nhiệm của mình. Tin rằng, cùng nhau thật sự hành động, chúng ta xây dựng được môi trường sống, học tập và vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em!
Tú Giang
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ