Cùng bàn luận
Bỏ cấp trung gian
Với chủ trương bỏ cấp huyện, bộ máy hành chính nhà nước sẽ bỏ được một khâu trung gian trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính. Điều này mang lại điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như mở rộng không gian để thu hút nguồn lực cho phát triển.
Một vụ mất an ninh trật tự bị phát hiện trên địa bàn một phường ở TP. Bạc Liêu, sự phối hợp giữa Công an phường và đơn vị chức năng của Công an tỉnh đã giúp giải quyết vụ việc trong buổi sáng. Đây là hiệu quả từ việc phối hợp trực tiếp giữa cấp cơ sở và cấp tỉnh mà không phải qua khâu trung gian - cấp huyện!
Hệ thống chính trị của chúng ta hiện có 4 cấp là Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Nếu Trung ương đưa ra các thể chế về pháp luật, chính sách thì cấp tỉnh bên cạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh còn quyết định nhiều vấn đề tự quản của địa phương. Trong khi đó, cấp huyện đóng vai trò trung gian, truyền tải các chủ trương, chính sách từ cấp Trung ương, cấp tỉnh xuống cấp xã, và cấp xã mới là đơn vị trực tiếp triển khai. Vì vậy, việc bỏ cấp huyện sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước mà thậm chí còn tạo nên nhiều điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời trong triển khai thực hiện chính sách cũng như giải quyết thủ tục hành chính.
Theo các nhà nghiên cứu chính sách, hiện nay, các nước phát triển trên thế giới chủ yếu tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp gồm: cấp tỉnh và cấp xã. Còn chính quyền trung gian ở giữa (cấp huyện) do chính quyền tỉnh đưa về một khu vực hoặc vùng nào đó thuộc một vài xã, phường để đại diện. Việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã, phường) sẽ giúp môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng và thuận lợi hơn rất nhiều so với việc phải qua thêm cấp trung gian - cấp huyện. Đặc biệt, trong điều kiện khoa học - công nghệ phát triển, việc quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến thẳng cấp cơ sở (cấp xã, phường) sẽ không gặp vướng mắc bởi hầu hết đều được giải quyết trên môi trường số, qua đó giảm được chi phí vận hành bộ máy.
Tất nhiên, mọi sự thay đổi sẽ đều gây ra những khó khăn, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện. Nhưng chấp nhận sự thay đổi để đạt được những điều tốt đẹp hơn cho đất nước và người dân, đó cũng là điều cần thiết.
T.L
- Kêu gọi cứu trợ nạn nhân động đất tại Myanmar và Thái Lan
- Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua đề án Hợp nhất Báo Bạc Liêu và Đài Phát thanh- Truyền hình Bạc Liêu, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Phục vụ 18 chuyến xe thư viện lưu động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc
- Huyện Phước Long: Tổ chức Giải đua ghe Ngo mini mừng tết Chôl-chnăm-thmây