Cùng bàn luận
“Bút sắc, lòng trong“ - đạo đức người làm báo
Hội Nhà báo Việt Nam vừa công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Quy định này sẽ thực hiện cùng với Luật Báo chí, bắt đầu từ ngày 1/1/2017.
Bộ quy định đạo đức người làm báo Việt Nam được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Báo chí năm 2016, đáp ứng tình hình mới của đời sống xã hội, thực tiễn đời sống báo chí. Ban soạn thảo cho rằng đây là bộ quy định được giới báo chí cả nước quan tâm, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng. Bộ quy định này có giá trị dẫn dắt lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút và chắc chắn sẽ lan tỏa trong đời sống báo chí, tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ những người làm báo cả nước.
Quả thật, những quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo rất sát với chuyện nghề, chuyện người, bắt kịp những xu hướng mới đang dần chiếm lĩnh trong đời sống báo chí. Ví dụ, điều 5 yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Tham gia mạng xã hội như thế nào, đó chắc chắn là một vấn đề nóng và gây nhiều tranh cãi trong giới những người làm báo bởi không ít nhà báo đã bị tước thẻ vì những nội dung thông tin phản cảm, vô trách nhiệm và xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì vậy sự “chuẩn mực và trách nhiệm” sẽ giúp nhà báo tránh được những chuyện không hay, không tốt hoặc không đúng khi có những phát ngôn, bài viết trên mạng xã hội. Với điều 4 “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”, nhà báo cần phải biết đâu là ranh giới giữa việc đáp ứng thông tin nhanh, hấp dẫn cho công chúng với sự xâm phạm đời tư cá nhân, coi thường nhân phẩm cũng như thái độ lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của con người.
10 điều quy định đạo đức người làm báo sát thực tiễn và chạm đến những vấn đề mà mỗi người làm báo phải đối mặt trong quá trình tác nghiệp. Vì vậy, tưởng dễ nhưng khi đi vào thực hiện thì không ít nhà báo sẽ cảm thấy khó khăn vì sẽ có “cuộc chiến” giữa đồng tiền và lương tâm nhà báo trong thời đại mà kinh tế báo chí đang ngày càng gặp nhiều khó khăn. Nhưng dù khó đến mấy thì cũng phải thực hiện, thực hiện một cách nghiêm túc để trở thành nhà báo có “bút sắc, lòng trong”.
N.L
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ