Cùng bàn luận
Cần một chế tài đủ mạnh cho an toàn thực phẩm
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trở nên “nóng” trên diễn đàn Quốc hội với sự tham gia phát biểu của nhiều vị đại biểu không chỉ do gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân, mà bởi đây cũng là một trong những chuyện bức xúc nhất đặt ra với công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xã hội…
Không ít người ví von rằng trên mâm cơm gia đình bình thường hiện nay toàn là… thuốc độc: heo nuôi bằng thức ăn tăng trọng, tôm bơm chích tạp chất, rau nhiễm thuốc trừ sâu… Nói như thế có thể quá bi quan nhưng trên tổng thể, người lạc quan nhất cũng không thể không lo lắng về chất lượng bữa ăn của người Việt hiện nay khi có quá nhiều công nghệ chế biến thức ăn bẩn để tăng lợi nhuận cho người sản xuất, kinh doanh. Liên tiếp các vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) được phanh phui, xử phạt nhưng có vẻ mọi thứ vẫn đâu vào đấy, thậm chí có dấu hiệu ngày càng tăng!
Trên thực tế, thời gian qua công tác quản lý nhà nước về VSATTP đã được tăng cường với khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hình thành một hệ thống quy định pháp luật tương đối toàn diện, đầy đủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý ATTP. Tuy nhiên, theo nhận định của Quốc hội, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, thì việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ATTP trong thời gian qua cũng bộc lộ không ít tồn tại và hạn chế; trong đó đáng lưu ý là nhiều văn bản ban hành chậm và còn thiếu, chưa thật sự phù hợp, chưa được hệ thống hóa, còn chồng chéo, quy định phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị chưa thật sự khoa học và rõ ràng.
Theo phân tích của các đại biểu, dù nhiều cơ quan tham gia quản lý về ATTP nhưng lại chưa mang đến hiệu quả cao trong việc ngăn chặn những hành vi sai trái về sản xuất, chế biến thực phẩm cho thấy sự yếu kém của công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Thể hiện rõ nhất là số vụ bị xử lý quá ít so với số vụ vi phạm, số tiền phạt lại quá nhẹ chưa đủ sức răn đe. Để khắc phục tình trạng này, nhiều đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, thông tin đúng về ATTP; phải phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở... Tuy nhiên, thứ cần nhất vẫn là một chế tài xử lý đủ mạnh để người sản xuất, kinh doanh không dám đánh đổi lương tâm với lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn.
N.L
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ