Cùng bàn luận

Cần sự đột phá

Thứ Tư, 29/05/2013 | 15:45

Với thực trạng nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, để vực dậy cần phải có sự đột phá trong chính sách thuế. Đột phá ở cả 2 yếu tố, mức thuế và thời gian áp dụng.

Về mức thuế, theo đề xuất của Bộ Tài chính hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giảm từ 25% xuống 23% (20% cho DN vừa và nhỏ), tới năm 2016 sẽ giảm xuống 20%. Lộ trình này nếu áp dụng trước đây vài năm, khi kinh tế trong nước bắt đầu “ngấm” những tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thì có thể hợp lý. Còn hiện tại, ngoài gần 60.000 DN đã phá sản và ngưng hoạt động, những DN còn “sống” đang trong tình trạng kiệt quệ và chỉ cố gắng cầm cự. Nói cách khác, họ đang lâm “trọng bệnh”. Muốn cứu họ, giải pháp, chính sách phải có sự đột phá. Đột phá như đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cũng như các DN là phải giảm thuế TNDN từ 25% xuống 20%, thuế cho báo in xuống 10% ngay từ ngày 1/7/2013. Đột phá ở thuế VAT là thực hiện phân loại để thực hiện miễn cho những ngành đặc biệt khó khăn, số còn lại nên giảm từ 10% xuống 5%. Bởi sắc thuế này liên quan trực tiếp đến yếu tố đầu vào của DN. Miễn - giảm VAT cũng đồng nghĩa với việc giúp giảm giá thành, yếu tố quan trọng nhất để kích thích tiêu dùng, giảm tồn kho - nút thắt của nền kinh tế hiện nay.

Với thực trạng nền kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, để vực dậy cần phải có sự đột phá trong chính sách thuế. Đột phá ở cả 2 yếu tố, mức thuế và thời gian áp dụng.

Về thời gian, sự đột phá là áp dụng sớm nhất các chính sách nói trên, cụ thể là vào ngày 1/7 tới thay vì chờ đến ngày 1/1/2014 như đề xuất. Việc này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để cải thiện tình trạng sức khỏe hiện nay của DN. Đầu tiên là tính kịp thời. Nói cho dễ hiểu thì đã “chẩn” bệnh, đã kê đơn thì phải cho uống thuốc ngay mới hy vọng thay đổi tình hình. Chứ thể trạng đang cần “cấp cứu” mà giải pháp vẫn chậm trễ, vẫn chần chừ thì rất có thể bệnh sẽ di căn. Lúc đó, muốn chữa hay kê liều cao hơn nữa cũng vô ích. Thứ hai, áp dụng miễn - giảm thuế TNDN, VAT vào ngày 1/7 tới còn có tác dụng cộng hưởng, làm tăng hiệu quả của chính sách. Vì ngày 1/7 cũng là thời điểm áp dụng ngưỡng thuế thu nhập cá nhân mới. Cụ thể, thu nhập từ 9 triệu đồng/người/tháng, người phụ thuộc là 3,2 triệu đồng/tháng trở lên mới tính thuế. Hiểu một cách đơn giản là thu nhập của người dân sẽ tăng lên. Như vậy, nếu áp dụng sớm việc giảm thuế TNDN, VAT vào ngày 1/7, cùng với lúc Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thì cùng một thời điểm giá thành giảm, thu nhập tăng... sức mua chắc chắn sẽ được cải thiện.

Lúc này, sự nguy cấp của DN, dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế đã ở mức báo động. Thực trạng này đòi hỏi các giải pháp tài khóa, tiền tệ đều phải có tính đột phá mới có hy vọng vực dậy tinh thần, sức khỏe cho DN. Đột phá chính sách thuế lúc này cũng là cách nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách. Mà sao cứ phải nâng lên đặt xuống mãi như vậy?

MAI KA

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.