Cùng bàn luận

Chấm dứt đùn đẩy trách nhiệm

Thứ Hai, 15/08/2016 | 15:40

Lâu nay, hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm khi phát sinh hậu quả không hay từ hoạt động quản lý, điều hành xảy ra khá nhiều. Dư luận vẫn gọi đó là hiện tượng “đá bóng trách nhiệm”. Bởi vậy, có những việc tưởng “nhỏ như móng tay” nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng phải vào cuộc chỉ đạo.

Bên cạnh đó là hiện tượng khi có vấn đề được gọi là “nhạy cảm” thì cố gắng “lôi kéo” nhiều cơ quan tham gia để tìm kiếm sự an toàn. Đó là nguyên nhân của việc các địa phương, bộ, ngành hay “xin ý kiến chỉ đạo” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cả những vấn đề đáng lẽ mình có thể giải quyết. Vì thế, liên tiếp trong 2 phiên họp Chính phủ thường kỳ, tháng 7 và tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phải nhắc đi nhắc lại yêu cầu “không đùn đẩy trách nhiệm”.

Hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm riêng và lôi kéo chia sẻ trách nhiệm chung không chỉ làm mất đi tính nghiêm minh của kỷ luật hành chính, mà còn làm giảm hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành, tạo sức ì rất lớn trong bộ máy quản lý, đồng thời làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào bộ máy hành chính Nhà nước. Để hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng này, bên cạnh việc nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, cần cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân trong mỗi vụ việc, tránh để trách nhiệm cá nhân “lẩn” trong trách nhiệm tập thể. Ví như khi UBND thảo luận tập thể, quyết định theo đa số một vấn đề của địa phương, nhưng quyết định không đúng, để xảy ra hậu quả, thì cần phân rõ trách nhiệm. Người ủng hộ sẽ không được công nhận là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong năm, hay thậm chí phải nhận một hình thức kỷ luật nào đó. Như vậy sẽ tránh được tình trạng “gật đầu” theo vận động hành lang, phục vụ lợi ích nhóm, hay thậm chí “gật bừa” dù chưa tìm hiểu kỹ.

Cùng với đó, trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cũng cần phải đặt ra rõ ràng hơn. Chẳng hạn, người đứng đầu cơ quan, địa phương có sai phạm lớn, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ không được thuyên chuyển hay cất nhắc lên vị trí cao hơn trong thời hạn nhất định, khiến cho những người biết sai sẽ không còn “nhắm mắt làm liều”; còn những người thiếu trình độ, non kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành có nhiều thời gian hơn để nâng cao trình độ, bổ sung kinh nghiệm trước khi được xem xét cất nhắc, bổ nhiệm. Cao hơn nữa, cần đặt vấn đề từ chức hoặc cách chức với những cá nhân lãnh đạo để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực cơ quan hoặc địa phương mình phụ trách.

Chỉ bằng truy đến cùng, làm đến nơi đến chốn mới có thể chấm dứt được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm riêng, lôi kéo trách nhiệm chung, qua đó lập lại kỷ luật hành chính, kỷ luật công vụ, xây dựng hình ảnh đẹp về một nền hành chính vì đất nước, vì nhân dân.

CHIẾN THẮNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.