Cùng bàn luận
Chống gian lận thi cử - phải thay đổi từ nhận thức
Những lùm xùm về vụ gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 cuối cùng rồi cũng đến hồi kết khi những trường hợp được nâng điểm đều đã bị xử lý, trong đó có những em đang là tân sinh viên cũng bị buộc thôi học.
Gần như năm nào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng… xảy ra vấn đề, dù trước đó ngành Giáo dục và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để chuẩn bị một cách tốt nhất cho sự kiện này. Cũng dễ hiểu, với phụ huynh, học sinh thì đây là kỳ thi quan trọng nhất đời người, kết quả thi có thể quyết định đến tương lai về sau của mỗi học sinh. Nhất là khi Bộ GD-ĐT chủ trương bỏ kỳ thi đại học và tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, vừa tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng. Những trường thuộc khối Công an, Quân sự, Y dược, Kỹ thuật… luôn lấy điểm cao ngất ngưởng, có khi là 30/30 mới hy vọng trúng tuyển. Khi mong muốn vào các trường này không phù hợp với năng lực thực tiễn của con em, phụ huynh liền nghĩ đến việc… gian lận.
Và dù ngành Giáo dục luôn khẳng định việc bảo vệ an toàn cho kỳ thi được đảm bảo một cách tuyệt đối thì cũng có những kiểu gian lận ngày càng tinh vi hơn. Rõ ràng vấn đề không nằm ở chỗ giải pháp giúp cho kỳ thi được tổ chức an toàn, trung thực mà chính là nhận thức của toàn xã hội về kỳ thi này. Khi nào ngành Giáo dục còn chú trọng về điểm số như một cách đánh giá duy nhất về năng lực học sinh và phụ huynh vẫn xem con đường vào đại học là duy nhất, xem việc bước chân vào các trường “có tiếng” là bắt đầu đi trên con đường làm giàu thì gian lận trong thi cử sẽ không bao giờ hết.
Một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nữa đang đến rất gần. Cuộc chạy đua vào đại học lại sắp sửa khởi động và người ta không thể biết năm nay việc gian lận sẽ diễn ra dưới hình thức nào. Vì vậy, thay vì chỉ tập trung để bố trí máy móc, bố trí nhân lực làm công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi thì các cơ quan có trách nhiệm phải cùng chung tay làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc học đại học, về việc “làm giàu” bằng cách làm việc trong những ngành “ngon lành”. Việc thay đổi này không thể trong một sớm một chiều, nhưng nếu có quyết tâm thì chắc chắn sẽ giải quyết được phần gốc của nạn gian lận thi cử!
N.L
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh