Cùng bàn luận
Chuẩn hóa trình độ, đãi ngộ hợp lý
Theo Bộ GD-ĐT, hiện cả nước còn khoảng 40% giáo viên tiểu học (TH) và 25% giáo viên trung học cơ sở (THCS) chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo mới (đại học sư phạm). Việc chuẩn hóa trình độ đào tạo đội ngũ nhà giáo nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 29/NQ-TW khóa XI của Đảng đã đề ra là: “Tiến tới tất cả các giáo viên TH, THCS, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm”.
Chuẩn hóa nhà giáo các cấp là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay. Trong khi đa số giáo viên từ bậc THPT trở lên đã được đào tạo tương đối bài bản thì một bộ phận giáo viên bậc TH và THCS vẫn chưa được chuẩn hóa. Ngoài việc chuẩn hóa trình độ đào tạo, vấn đề cấp thiết được đội ngũ nhà giáo và dư luận xã hội quan tâm bấy lâu nay là đổi mới chính sách tiền lương cho những người công tác trong ngành Giáo dục. Có một nghịch lý đáng nói là, dù chúng ta nhiều lần khẳng định đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giáo viên là “cỗ máy cái” trong hệ thống giáo dục, là nhân tố hàng đầu quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp “trồng người”, song trên thực tế, chính sách tiền lương cho đội ngũ này chậm được đổi mới, chưa theo kịp nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính sách tiền lương hiện hành đối với giáo viên chưa trở thành nguồn thu nhập cơ bản giúp họ đủ trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình; cũng như chưa trở thành động lực thật sự để họ cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Mặt khác, chính những bất cập từ chính sách tiền lương giáo viên cũng là một trong những nguyên nhân làm cho các vấn nạn lạm thu, dạy thêm… chưa được ngăn chặn triệt để tại nhiều cơ sở giáo dục.
Gánh vác sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề ấy chính là đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta không nên dừng lại ở những lời hay ý đẹp về nghề giáo, mà quan trọng hơn là phải thiết kế những chính sách thiết thực, khả thi trong thực tiễn để bảo đảm nhà giáo được chuẩn hóa trình độ đáp ứng với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; đồng thời có điều kiện cuộc sống ổn định để họ luôn tự hào về nghề, tự nguyện gắn bó lâu dài với nghiệp và hết lòng cống hiến cho những mục tiêu giáo dục tốt đẹp đã đề ra. Hơn thế, việc sớm chuẩn hóa trình độ và ban hành chính sách đãi ngộ hợp lý cho nhà giáo chính là đi trước một bước để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học 2019 - 2020.
THIỆN VĂN
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ