Cùng bàn luận
Coi trọng lượng hóa tiêu chí “chấm điểm” cán bộ
Đánh giá đúng cán bộ là khâu đầu tiên, quan trọng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí cán bộ, đồng thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao; phê bình những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu gương mẫu, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với tổ chức.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc đánh giá đúng cán bộ vẫn là khâu khó nhất, yếu nhất trong công tác cán bộ; cùng với đó là việc thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác…
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã chỉ đạo: Ngành Tổ chức xây dựng Đảng nên chọn công tác đánh giá cán bộ làm khâu đột phá để triển khai trong năm 2017, bởi nếu làm tốt công tác này sẽ khắc phục được sự bất hợp lý giữa đánh giá cán bộ, xếp loại cá nhân với đánh giá tập thể.
Đổi mới công tác cán bộ đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết, trong đó giải pháp quan trọng để đổi mới mạnh mẽ việc đánh giá cán bộ là xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ bằng việc lượng hóa, bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học, thiết thực, phù hợp với từng chức danh; khắc phục tình trạng cảm tính, xuê xoa, hoặc nắm không chắc cán bộ, không đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, nên đánh giá, phân loại cán bộ thiếu công tâm, công khai, minh bạch.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Đó cũng là hai tiêu chuẩn chung cơ bản đối với đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, để đánh giá đúng cán bộ, thì đối với từng chức danh, trong từng loại hình tổ chức, cơ quan, đơn vị…, cần cụ thể hóa hai tiêu chuẩn trên cho phù hợp, sát thực tế. Các tiêu chí phải được lượng hóa, có thể “đo, đếm” được, làm cơ sở cho việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức; để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát, nhất là gắn với chất lượng hoàn thành nhiệm vụ, hiệu quả công việc, được định lượng bằng chấm điểm thông qua phiếu đánh giá.
Đánh giá cán bộ khách quan, công tâm thông qua việc lượng hóa, cụ thể hóa các tiêu chuẩn là cơ sở quan trọng để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt bổ nhiệm cán bộ; tôn vinh, khen thưởng những cán bộ gương mẫu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời “kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác…”, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ.
ANH QUÂN
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ