Cùng bàn luận
Công nghệ và lao động
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang làm thay đổi thế giới và đương nhiên làm thay đổi thị trường lao động (TTLĐ). Nhiều vị trí việc làm sử dụng rô-bốt và tự động hóa thay cho nhân lực; nhiều việc làm mất đi và xuất hiện những ngành nghề mới… Đó là một thách thức lớn đối với TTLĐ hiện nay.
Công nghệ đang làm biến đổi tích cực đời sống xã hội về nhiều phương diện, đồng thời cũng mang theo tác động lớn trong TTLĐ toàn thế giới.
Các chuyên gia nhận định rằng: Rô-bốt hóa và tự động hóa sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến TTLĐ. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin gồm sự phát triển của mạng di động, công nghệ điện toán đám mây, năng lực xử lý của máy tính và dữ liệu lớn cũng sẽ gây thay đổi TTLĐ.
Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có độ mở cao, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng hiện vẫn còn gần 77% lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Nguồn nhân lực tại Việt Nam chủ yếu là lao động trình độ thấp, giá rẻ và trong số hơn 20% lao động được đào tạo cơ bản này vẫn còn những bất hợp lý trong cơ cấu, gây ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ, lực lượng công nhân kỹ thuật bậc cao cũng rất khan hiếm. Điều đáng lo ngại là dù đã được cảnh báo, nhưng đến nay, lực lượng lao động giản đơn vẫn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt thập kỷ qua.
Do đó, cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra nguy cơ thất nghiệp và chênh lệch lớn trong trong thu nhập, dẫn đến giãn rộng khoảng cách giàu nghèo, nếu ta không tận dụng được những cơ hội tốt mà cuộc cách mạng này tạo ra. CMCN 4.0 khiến cho nhiều việc làm có thể được tự động hóa và mất đi, nhưng thay vào đó là các loại việc làm mới ra đời. Diễn đàn kinh tế thế giới dự báo rằng, 64% trẻ em đang đi học hiện nay, khi ra trường sẽ làm các loại việc làm chưa từng xuất hiện. Điều này có nghĩa là TTLĐ sẽ có nhiều thay đổi.
Do đó, không còn cách nào khác, TTLĐ Việt Nam cần phải tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa. Trong tương lai, các nhân tố khoa học - công nghệ sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, dẫn theo đòi hỏi về những kỹ năng phức tạp hơn. Do đó, đối với người lao động, cần chủ động học hỏi kiến thức về kỹ năng số hóa và công nghệ, trang bị những kỹ năng cần thiết như: Hợp tác với người khác, quản lý con người… để tăng năng lực cạnh tranh.
Thái Vũ
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh