Cùng bàn luận
Dám nghĩ, dám làm
Dám nghĩ, dám làm là dám nghĩ cái chưa ai nghĩ và làm cái chưa ai làm. Nói cách khác là dám nghĩ ra cái mới và chính mình thực hiện ý nghĩ đó. Đã là mới, tức là cái chưa có tiền lệ. Cái chưa có tiền lệ thì có thể đúng, có thể chưa đúng. Ranh giới giữa đúng - sai là rất mong manh. Có lẽ vì vậy mới có từ “dám” trước hành động “dám nghĩ, dám làm”!
Những người dám nghĩ, dám làm là “những người dũng cảm”. Họ là người mạo hiểm, thậm chí mạo hiểm trước sinh mệnh của mình. Nhưng vì sự tâm huyết, lòng khát khao cống hiến nên họ vượt qua mọi thách thức. “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt…” là động lực để họ vượt lên. Đã có nhiều người “dám nghĩ, dám làm” nhưng không thành công hoặc “lịch sử chưa ghi nhận”, họ vẫn sẵn sàng dấn thân. Trong khi nhiều người chọn giải pháp an toàn theo tâm lý “làm ít, sai ít - làm nhiều, sai nhiều” thì những người dám nghĩ, dám làm họ “sẵn sàng chịu trách nhiệm” - nếu sai. Cái sai ở đây nếu có là do hạn chế của bản thân, còn mục đích, tâm huyết vẫn trong tâm thế của “tấm lòng trong”. Nhưng không phải lúc nào cũng được nhìn nhận như thế.
Để khuyến khích, động viên, tập hợp nhiều người có dũng khí, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá…, Đảng, Nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế cụ thể hơn để bảo vệ những người tiên phong này.
Chúng ta đã có Kết luận số 14 của Bộ Chính trị ký ban hành ngày 22/9/2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Kết luận số 14 không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn coi như tấm lá chắn để bảo vệ, giúp cán bộ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trước những khó khăn, thách thức của thực tiễn.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, nhiều địa phương, đơn vị chưa thấm nhuần, chưa quán triệt một cách sâu sắc nhất “bửu bối” này. Từ đó chưa phát huy tối đa hiệu quả.
Cần hiểu rằng, khuyến khích, động viên phải đi liền với trọng dụng, bảo vệ - Bảo vệ một cách triệt để nhất mới sản sinh ngày càng nhiều những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Tất nhiên dám nghĩ, dám làm không đồng nghĩa với làm liều, làm ẩu. Dám làm vì lợi ích chung khác với dám làm nhằm vụ lợi.
Để người tài được trọng dụng, điều căn bản nhất là thay đổi tư duy - nhất là tư duy sử dụng và phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ. Trong thực tế, cán bộ, công chức còn ràng buộc bởi nhiều quy định. Trong khi công dân “được làm những gì pháp luật không cấm”, còn cán bộ, công chức chỉ “được làm những gì pháp luật cho phép”. Tất nhiên cán bộ, công chức phải tuân theo những nguyên tắc trong khuôn khổ của tổ chức. Nhưng thực tế cho thấy, nguyên tắc ấy vô tình hình thành lối làm việc rập khuôn vì tâm lý lo ngại sáng tạo của mình không nằm trong quy định của pháp luật. Mặt khác, thay vì chú trọng đến hiệu quả công việc, nghĩ cách nâng cao hiệu quả công việc, thì họ lại “nghiêng về phía” thăm dò thái độ của cấp trên?! Trong thực tế đã có nhiều lãnh đạo e ngại hoặc không khuyến khích cấp dưới sáng tạo (vì sợ sáng tạo không đến nơi đến chốn, bản thân sẽ bị vạ lây)!
Vì vậy, muốn chủ trương khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá đạt hiệu quả cao thì trước hết người lãnh đạo phải dám bảo vệ cái đúng. Chỉ có lãnh đạo tâm huyết, vì lợi ích chung, dám chịu trách nhiệm thì mới dám ủng hộ những người đổi mới, sáng tạo, “xé rào” - như khẳng định của một đại biểu Quốc hội.
Điều này rất đúng tinh thần của Kết luận số 14 của Bộ Chính trị: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Ưu tiên bố trí sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao”.
Kết luận số 14 chính là điểm nhấn quan trọng để “mở đường”, “cởi trói” cho cán bộ sáng tạo và cống hiến nhiều hơn trước đòi hỏi của thực tiễn. Kết luận số 14 chứa đựng tinh thần đột phá trong khuyến khích sự sáng tạo và bảo vệ cán bộ!
N.N.K (bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)