Cùng bàn luận
Đạo đức nghề báo - không thể xem nhẹ
Với sự bùng nổ mạnh mẽ của nền báo chí công nghệ số, không ít người đã đặt câu hỏi: đạo đức nhà báo có bị bào mòn theo những đòi hỏi “thời thượng” của công chúng?
Câu hỏi không phải vô căn cứ. Trong sự cạnh tranh để tồn tại giữa các loại hình báo chí truyền thống với truyền thông hiện đại, trong đó đáng kể nhất là mạng xã hội, đã tạo nên một áp lực không nhỏ cho các nhà báo khi trả lời cho câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”. Sự đòi hỏi của độc giả về tốc độ chuyển tải, về tính “giật gân” của thông tin liên quan đến sự sống còn của một tờ báo in, báo mạng hay kênh truyền hình đã buộc những người làm báo phải tìm một lối đi dung hòa được nhiều mục đích: đảm bảo được tôn chỉ mục đích của tờ báo nhưng đồng thời phải hấp dẫn bạn đọc với lượng truy cập, lượng xem ngày càng tăng, qua đó mới thu hút được nhiều quảng cáo. Nói thì có vẻ dễ nhưng điều này hoàn toàn không dễ thực hiện, nhất là khi nhu cầu của công chúng - từ sự tác động của mạng xã hội ngày càng có xu hướng thiên về những tin tức giật gân, câu khách, những tin “lạ, hiếm” bất chấp những quy chuẩn đạo đức chung. Một nhà báo từng than thở “viết tin tốt lượng truy cập chẳng bao nhiêu, trong khi tin về những cái xấu thì lượng người xem gấp hai, gấp ba”. Tác động trực tiếp đến thu nhập của nhà báo và cơ quan báo chí, lượng truy cập (người xem) các loại thông tin đã làm cho cơ quan báo chí phải quyết định sử dụng thông tin nào phù hợp để tờ báo đó được phát triển. Điều này lại dẫn đến vấn đề cần quan tâm hơn: đạo đức nhà báo.
Đã có không ít nhà báo vì sự lựa chọn “thức thời” này mà phớt lờ những quy định đạo đức của nghề, sẵn sàng khai thác những thông tin mang tính đời tư cá nhân, hay nhân danh nhà báo để phát biểu gây sốc trên mạng xã hội, tạo danh tiếng cho bản thân nhưng lại ảnh hưởng đến lợi ích của Đảng và Nhà nước, của cả quốc gia. Họ phải trả giá bằng cả tương lai nghề nghiệp. Điều đó là cần thiết nhằm loại trừ những “con sâu nhà báo” - những người không chỉ làm ảnh hưởng đến một, hai cá nhân mà còn tác động đến cả xã hội, đất nước bằng ngòi bút của mình. Đạo đức nhà báo cần phải được giữ nghiêm, dù có sự tác động thế nào từ sự thay đổi của hoàn cảnh thực tế thì nhà báo phải luôn giữ được “tâm sáng, bút trong”. Đó mới chính là sự đòi hỏi cao nhất của công chúng trong mọi thời đại.
T.L
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tập huấn nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội
- Bế mạc Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh THPT
- Ùn tắc giao thông vì dựng rạp án ngữ dưới lòng đường