Cùng bàn luận
Đạo đức nhà báo - cần sự tuân thủ nghiêm túc từ chính nhà báo
Luật Báo chí 2016 vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố vào cuối tháng 4/2016, một trong các luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp 11, có nhiều điểm mới so với Luật Báo chí hiện hành.
Trong 9 điểm mới của Luật Báo chí 2016, cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật Báo chí 2016 còn bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
Vấn đề đạo đức nhà báo ngày càng được chú ý khi mà các loại hình báo chí phát triển một cách rầm rộ. Báo mạng điện tử, một loại hình báo chí mới, đang chiếm ưu thế trong sự lựa chọn của công chúng, cũng là loại hình gây ra nhiều tranh cãi nhất về vấn đề đạo đức nhà báo. Vì cần thông tin những thông tin nóng thu hút lượt người xem, người ta sẵn sàng “chìa mũi” vào những lĩnh vực vốn được sự bảo vệ bởi truyền thống xã hội như chuyện riêng tư của một cá nhân, chuyện chăn gối… Thậm chí những người được gọi là nhà báo, tự xưng là phóng viên không ngại ngần dựng lên những câu chuyện mang tính rùng rợn, thái quá lên xung quanh một vấn đề đang gây bức xúc cho dư luận, đang được cơ quan quản lý tìm cách xử lý. Những thông tin kiểu đó có thể thu hút người đọc, người xem một cách ồ ạt nhưng đồng thời cũng chứa đựng nguy cơ bất ổn xã hội, gây ra hậu quả khôn lường cho việc quản lý. Và sau đó thông tin đúng - sai đã được minh chứng nhưng những nhà báo vô lương tâm đó vẫn không hề bị xử lý sai phạm, và họ lại tiếp tục “giở chiêu trò” khi có vấn đề mới phát sinh.
Luật Báo chí mới đã quy định rõ khi người làm báo vi phạm đạo đức nhà báo sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo. Tuy nhiên, thiết nghĩ sự điều chỉnh khắt khe nhất chính là thái độ của công chúng với những tờ báo đặt lợi nhuận lên trên cả những chuẩn mực đạo đức của người cầm bút vốn chỉ nói về sự thật, phản ánh trung thực đời sống thực tế. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của công cụ pháp luật, hơn ai hết, chính các nhà báo phải biết tự giữ chuẩn mực ấy để giữ được sự cao quý của một nghề đã được xã hội tôn vinh.
N.L
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững