Cùng bàn luận

Đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế biển

Thứ Tư, 05/06/2019 | 14:05

 TRẦN THANH TÂM, Giám đốc Sở KH-ĐT

Phát triển kinh tế biển được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với quyết tâm làm giàu từ biển, Bạc Liêu đã và đang xây dựng mô hình hướng về biển, xem phát triển kinh tế biển là động lực để bứt phá, phát triển kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương (thứ 5 từ phải qua) và Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào Bạc Liêu.

Doanh nghiệp đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung tại quán cà phê Doanh nhân. Ảnh: LD - H.T

NHIỀU DỰ ÁN ĐỘNG LỰC

Với lợi thế 56km bờ biển và hệ sinh thái phong phú, Bạc Liêu được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển. Đầu năm 2018, Tỉnh ủy đã có Kết luận số 67-KL/TU về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, tạo đột phá mới, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh giàu mạnh từ kinh tế biển.

Đặc biệt, sự ra đời của Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xem là “kim chỉ nam” để Bạc Liêu thực hiện hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển.

Với quyết tâm cao, thời gian qua, Bạc Liêu đã đẩy mạnh thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển các dự án khu vực biển và ven biển. Trong tổng số 125 dự án (với tổng vốn đăng ký trên 37.500 tỷ đồng và 72 triệu USD), tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án về lĩnh vực kinh tế biển với tổng vốn đầu tư đăng ký là 24.391 tỷ đồng (có 5 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn 7.017 tỷ đồng, 12 dự án đang triển khai với tổng vốn 17.374 tỷ đồng). Nhìn vào tổng vốn đăng ký đầu tư trên, lĩnh vực kinh tế biển chiếm khoảng 62%.

Tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án đầu tư cho 7 dự án và có 6 dự án đã đăng ký vốn với tổng vốn 131.776 tỷ đồng. Phần lớn dự án đầu tư là các dự án động lực, góp phần giúp Bạc Liêu khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Khi các dự án thuộc lĩnh vực này, đặc biệt là dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu (quy mô công suất 3.200MW, vốn đầu tư 91.000 tỷ đồng) và 5 dự án điện gió (với tổng công suất 1.108 MW, tổng vốn đầu tư 40.376 tỷ đồng) hoàn thành xong công tác nghiên cứu khảo sát, lập đề xuất dự án trình cấp quyết định chủ trương đầu tư thì tỷ lệ nguồn vốn đăng ký đầu tư của lĩnh vực kinh tế biển sẽ tăng rất cao so với tổng vốn thu hút đầu tư của tỉnh. Điều này đã khẳng định kinh tế biển thật sự là một trụ cột rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu.

Đạt được những kết quả quan trọng trên là nhờ Bạc Liêu làm tốt công tác định hướng và hoạch định các chính sách mang tầm chiến lược, tạo được lòng tin từ các nhà đầu tư. Định hướng ấy được cụ thể hóa bằng 5 trụ cột thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là: Nông nghiệp công nghệ cao; Năng lượng tái tạo; Du lịch, thương mại - dịch vụ; Giáo dục, y tế chất lượng cao; Phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh. Cùng với đó là không ngừng đổi mới phương pháp tiếp cận nhà đầu tư; lãnh đạo tỉnh đã chủ động tiếp cận, gặp gỡ, mời chào các nhà đầu tư, các tập đoàn trong và ngoài nước có nguồn lực và năng lực. Đồng thời tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo phương châm “đúng đối tượng, đủ chính sách, nhanh thủ tục”.

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ

Bạc Liêu tuy thu hút nhiều dự án cho phát triển kinh tế biển, nhưng tiềm năng và dư địa cho công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển của tỉnh còn rất lớn. Đó là các dự án phát triển cảng biển, du lịch sinh thái biển, bến tàu du lịch Bạc Liêu - Côn Đảo, cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhà máy chế biến hải sản...

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc phát triển kinh tế biển trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc thiếu quỹ đất “sạch” để mời gọi đầu tư. Điểm qua danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh, các vị trí thực hiện dự án phần lớn là đất vướng giải phóng mặt bằng. Điều này gây ra nhiều khó khăn và làm giảm hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh.

Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án, nhất là các thủ tục bổ sung quy hoạch từ các bộ, ngành Trung ương; công tác giải phóng mặt bằng,... mất rất nhiều thời gian cho các nhà đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Các cơ chế ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh được xây dựng dựa trên khung quy định chung của Trung ương, mặc dù áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất theo quy định, nhưng quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, dân số ít dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp.

Ngoài ra, nhiều yếu tố khác cũng làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư như: Quy mô của nền kinh tế còn nhỏ, dân số ít, khả năng cạnh tranh thấp; kết cấu hạ tầng của tỉnh còn yếu kém; ngân sách đầu tư còn hạn chế nên chưa hấp dẫn cho công tác thu hút, mời gọi đầu tư; các dự án đã có chủ trương nhưng chưa đủ điều kiện khởi công theo dự kiến do vướng giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý có liên quan...

Tuy còn tồn tại những khó khăn, hạn chế, nhưng Bạc Liêu quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, tiếp tục  đẩy mạnh thu hút đầu tư và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, năm 2019 được xác định là năm “nước rút”, là tiền đề để Bạc Liêu “về đích” vào năm 2020, quyết định việc thực hiện thắng lợi mục tiêu “phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, Bạc Liêu đứng vào tốp các tỉnh khá trong khu vực và trung bình của cả nước” và “phấn đấu trở thành một trong những tỉnh giàu mạnh từ kinh tế biển…”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.