Cùng bàn luận

Để khuyến khích học nghề

Thứ Tư, 06/07/2016 | 16:11

Gần 900.000 thí sinh trong cả nước vừa hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Kỳ thi năm nay mang đến một tín hiệu đáng mừng cho việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực: trên 30% thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp mà không xét tuyển vào các trường đại học…

Không phải tất cả 30% thí sinh đó sẽ đi học trường nghề, nhưng tín hiệu đáng mừng ở chỗ không phải cứ đến độ tuổi là người người đều ùn ùn kéo nhau vào đại học. Để đáp ứng nhu cầu tăng, các ngành, các địa phương rầm rộ mở trường đại học mà chất lượng thì không được đảm bảo. Hậu quả là mỗi năm, hàng chục ngàn cử nhân, kỹ sư “ra lò” mà trong đó số lượng tìm được việc làm ngày càng ít dần. Cử nhân giấu bằng để đi làm công nhân, đi học nghề…, những thông tin này ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chẳng có gì khó hiểu khi mà “cung” đã vượt quá “cầu”, nhất là khi chất lượng “nguồn cung” không đáp ứng được đòi hỏi của “bên cầu”, thế là dôi dư nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi nguồn lao  động có tay nghề, lao động phổ thông luôn “đắt hàng” đối với các doanh nghiệp. Tình trạng này ngày càng phổ biến và đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ của người dân. Và tỷ lệ ngày càng tăng (dù chỉ chiếm số ít) của lượng thí sinh không chọn đường vào đại học được xem như một sự thay đổi dần về nếp nghĩ của người Việt vốn rất trọng bằng cấp.

Nhưng để làm sao số lượng học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề nhiều hơn, không chỉ tất cả 30% mà còn cao hơn nữa? Câu hỏi này đòi hỏi sự tổng hợp từ nhiều giải pháp, trong đó không thể không kể đến việc có các chính sách khuyến khích học nghề. Dù đã chấp nhận con đường “đại học không phải là duy nhất”, nhưng nhiều học sinh vẫn chưa mặn mà với học nghề bởi các em chưa thấy được lợi ích cũng như sự hữu dụng khi đi học trong khi sự đánh giá của xã hội cho loại hình đào tạo này vẫn chưa cao. Khuyến khích bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, có chế độ ưu tiên đối với giáo viên và học sinh, tuyên truyền hiểu biết về hữu dụng của học nghề… có rất nhiều cách mà ngành chức năng và địa phương có thể làm được nếu chịu làm! Không thể chỉ nói suông mà học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tự nguyện đi học nghề nếu không có những hành động thiết thực để nâng cao vị thế của các trường nghề!

N.L

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.