Cùng bàn luận

Dịch COVID-19 và sự thích nghi

Thứ Sáu, 16/07/2021 | 17:38

Dịch COVID-19 - một loại kẻ thù giấu mặt bất ngờ ập đến từ cuối năm 2019, làm đảo lộn đời sống, đe dọa sức khỏe, tính mạng của cả nhân loại. Việt Nam ta cũng không nằm ngoài vấn nạn ấy. Đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 này, chúng ta đã gánh chịu sự tấn công với tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn, sự nguy hiểm cao hơn bởi biến chủng mới Delta (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ và hiện đã lan rộng, làm lung lay đến gần 100 quốc gia) mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhớ lại làn sóng dịch COVID-19 thứ nhất, thứ hai - Việt Nam có số người nhiễm bệnh chỉ là số chục, số trăm (nay đã lên đến nhiều chục ngàn người mắc ở hầu khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc).

Sự xuất hiện của COVID-19 biến chủng mới Delta đã gây lo ngại, hoang mang, bất an trong một bộ phận người cũng là điều dễ hiểu. Mới đây nhất là việc hàng trăm công nhân thuộc khu công nghiệp Bình Dương xô rào, bỏ chạy sau khi phát hiện một ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại đây. Trước đó không lâu cũng hàng trăm bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chui rào ra khỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận ngay trong đêm khi chưa hết thời gian cách ly vì hay tin có ca nhiễm COVID-19 là một nữ bác sĩ ở khoa sản bệnh viện này. Rồi lác đác nơi này, nơi khác có người trốn khỏi khu cách ly, người không thành thật khai báo y tế... gây hậu quả rất nghiêm trọng cho cộng đồng, xã hội và cả bản thân… cũng bắt đầu từ tâm lý lo sợ. Tất cả những hành vi trên đều là hành vi tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật cần được xử phạt nghiêm minh.

Nhưng xét về nguyên nhân - đi sâu vào khía cạnh tâm lý thì hành vi đó được bắt đầu từ sự lo lắng, bất an, hoảng loạn… Sự hoảng loạn xuất phát từ ý thức, nhận thức. Số khác lại lây lan bởi tâm lý đám đông (phá rào khu công nghiệp, chui rào ra khỏi bệnh viện như đã nói là ví dụ cụ thể). Có cái do “nghĩ chưa tới” nhưng bị tác động trực tiếp đã kích động… dẫn đến hành vi tiêu cực.

Để có thể “sống chung với lũ” - COVID-19, tôi - anh và mọi người chúng ta phải biết thích nghi (hay thích ứng) để… tồn tại. Thích nghi trong việc trực tiếp phòng chống dịch và cả “thích nghi gián tiếp” nhằm đảm bảo điều kiện sống (ăn, mặc, hít thở, lao động, học hành…).

Nói thì dễ, nhưng để đáp ứng việc thích nghi (thích ứng) là cả vấn đề. Thử hình dung, đời sống của chúng ta đang yên ổn, an lành… tự dưng ta phải đón nhận những điều “từ trên trời rơi xuống”, phá vỡ mọi thứ của đời sống. Rồi buộc ta phải chấp nhận, buộc ta phải thích nghi, thay đổi… Vì vậy, cho dù có thích nghi thì trước đó luôn có sự phản ứng - có cả “phản ứng với chính mình” cũng là điều dễ hiểu. Nguyên nhân của sự phản ứng bắt đầu từ sự lo âu, hoang mang, mệt mỏi… Người ta muốn “kháng cự”, không hợp tác với những thứ còn quá lạ lẫm với mình. Và ngay trong lúc quẫn trí nhất, con người ta thường mơ đến một phép màu - mơ sự xuất hiện của phép màu… Nhưng rồi phép màu không xuất hiện. Đến khi đó người ta bắt đầu nhận ra: chỉ có sự nỗ lực của con người, của chính bản thân mỗi người mới tạo được “phép màu” - phép màu đó không gì khác là sự thích ứng (thích nghi)! “Thích ứng hay là chết” trở thành yêu cầu bức bách, sòng phẳng và khắt khe trong bối cảnh thiên tai, địch họa ập đến (cụ thể ở đây là dịch COVID-19 biến chủng Delta) buộc ta phải lựa chọn thay đổi để… thích nghi!

Nhưng cũng cần nên hiểu một cách tích cực là: Sự thích nghi, thay đổi lúc này vừa là sự chủ động để bảo vệ bản thân, cộng đồng, đồng thời cũng là sự phản kháng, chống chọi lại virus, “tấn công” lại virus để tồn tại! Vì vậy đòi hỏi lòng dũng cảm, sự bền bỉ của tất cả mọi người. Đòi hỏi sự rèn luyện, xây dựng thói quen thích nghi. Khi tâm thế chủ động thích nghi thì ta không bị bất ngờ, hoang mang… và dễ dàng đưa ra những cách thức để ứng phó. Chủ động thích nghi chính là bản năng cần thiết và quan trọng.

Trong đại dịch COVID-19 làn sóng thứ 4 này, cộng đồng và mỗi cá nhân đã tạo ra sự thích nghi và… bước đầu đã chiến thắng. Đó là việc trong mỗi người chúng ta đã biết “biến nguy cơ thành thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, trong cái khó ló cái khôn…”! Chẳng hạn việc tổ chức học online, hội nghị trực tuyến, làm việc tại nhà… vừa an toàn vừa đỡ tốn kém. Rồi giãn cách xã hội, nhà nào ở nhà đó, thay đổi thói quen tụ tập bạn bè, vui chơi, giải trí, sinh hoạt… Thay đổi thói quen di chuyển, du lịch… bằng những hình thức phù hợp trong điều kiện có dịch. Ngay cả việc tổ chức sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội cũng thích nghi để phù hợp (công nhân được áp dụng hình thức “3 tại chỗ”: ăn - nghỉ - làm việc), có nơi áp dụng “giãn cách” số lượng lao động chỉ còn 1/2, 1/3… để đảm bảo “khoảng cách an toàn”. Nơi thì áp dụng kiểu luân phiên từng phân xưởng sản xuất… vừa để phòng dịch vừa không đứt gãy sản xuất. Tất cả những thay đổi này, nó lạ lẫm bước đầu nhưng rồi cũng đã… thích nghi và đem lại hiệu quả - Đó là sự chiến thắng!

Sự thích nghi không chỉ có trong thói quen, sở thích, lao động, việc làm… mà còn có cả “sự thích nghi trong ý thức, tình cảm, tình yêu thương giữa người với người”. Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ, thiện nguyện. Không ai bảo ai, vậy mà ATM gạo mọc lên, quán cơm từ thiện mọc lên, quầy rau 0 đồng mọc lên… Rồi bao nhiêu bạn trẻ là đoàn viên - thanh niên tình nguyện và những người thiện nguyện không tên khác… sẵn sàng giúp đỡ bất kể điều gì khi bà con cần, bà con thiếu! Tất cả hành động, việc làm ấy đều xuất phát từ tấm lòng “thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách…” tự nhiên trỗi dậy - phải chăng đây chính là “sự thích nghi của tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của người dân Việt trong hoạn nạn, khó khăn?!...

Để kết thúc mấy dòng suy ngẫm này, xin được mượn ý của triết gia Charles Darwin đúc kết về sự thích nghi: “Sinh vật sống sót trên quả đất này không phải sinh vật khỏe nhất hay thông minh nhất mà là sinh vật ứng phó với biến đổi giỏi nhất”!

Vâng, qua 4 làn sóng dịch COVID-19 tấn công, chúng ta đều có những sáng kiến, những trải nghiệm ở nhiều khía cạnh với nhiều cấp độ để chống chọi, thích ứng. Qua thời gian, qua thực tiễn cuộc sống cho phép chúng ta có thể “chủ động thích nghi” với mọi hoàn cảnh, mọi biến cố. Sự ứng phó linh hoạt cộng với “lá chắn vắc-xin”, chúng ta không thể không chiến thắng!

N.N.K

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.