Cùng bàn luận
Điểm số và chuyện đổi mới giáo dục phổ thông
Những ngày cuối của tháng 5, các trường mầm non, phổ thông lần lượt tiến hành làm lễ tổng kết năm học, kết thúc nhiều tháng nhọc nhằn với những cuộc thi nhằm đạt được những thành tích tốt nhất…
Nói “nhiều tháng” bởi một năm học bây giờ không còn gói gọn trong 9 tháng, ngày khai giảng bắt đầu từ 5/9 và kết thúc vào tuần cuối cùng của tháng 5. Vì rất nhiều lý do mà năm học mới có thể bắt đầu từ rất sớm, khi mùa hè vừa chớm bắt đầu và học sinh chưa thoát khỏi ám ảnh về những cuộc thi. Vâng, là những cuộc thi! Khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ than thở rằng bộ của ông giống “bộ thi”, phụ huynh hoàn toàn đồng ý với ông. Đầu năm có thi khảo sát chất lượng, đến thi giữa học kỳ, cuối học kỳ, thi tốt nghiệp... cùng hàng chục cuộc thi năng khiếu, văn hóa với đủ hình thức, từ thi trên giấy đến thi trên mạng Internet. Có phụ huynh chia sẻ rằng con chị (là học sinh THCS) như nghệ sĩ đắt sô, lúc nào cũng có sô thi cử để biểu diễn! Đến nỗi có lúc chị không rõ con mình đang ôn thi cho cuộc thi gì, vòng nào!
Sẽ có người phản biện rằng học thì phải thi, nếu không thi sẽ không đánh giá được năng lực của các em. Đúng là có học thì phải có thi, kết quả thi chính là thước đo năng lực của học sinh, đánh giá hiệu quả giảng dạy của giáo viên. Tuy nhiên, trong khi các cuộc thi còn nhiều vấn đề bất cập cần phải xem xét để đảm bảo sự đánh giá là thực chất thì đa số trường học và phần đông phụ huynh lại gửi gắm trọn vẹn niềm tin, kỳ vọng vào điểm số từ những cuộc thi đó. Điểm cao là niềm tự hào của thầy cô, là sự khát khao của phụ huynh, làm nên thành tích đáng giá cho mỗi người, mỗi đơn vị. Ngược lại, điểm số thấp là nỗi buồn của nhà trường, là chuyện mất mặt của phụ huynh. Không ai quan tâm chuyện điểm số lớn nhỏ đã tạo nên áp lực tâm lý cho các em học sinh như thế nào, gây ra những hệ quả gì cho sự phát triển của các em sau này? Bởi điểm số chính là một di chứng của căn bệnh thành tích "nan y" của ngành Giáo dục Việt Nam, và không ít trường hiện nay đều xem điểm số thi cử của học sinh là chiếc phao cứu cánh cho những báo cáo thành tích tốt đẹp!
Cả nước đang quan tâm chuyện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đổi mới như thế nào, đổi mới từ đâu… đang được tính toán một cách khoa học nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, dù đổi mới thế nào thì hãy trả mọi thứ trở về đúng vị trí của nó. Điểm số chỉ đơn giản là điểm số, không phải là áp lực nặng nề với bất kỳ ngôi trường và học sinh nào.
N.L
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ