Cùng bàn luận
Gam màu trầm
Kết thúc năm 2013, số lượng doanh nghiệp (DN) chết tiếp tục tăng so với năm trước gần 12% với tổng cộng hơn 60.000 công ty. Đây là gam màu trầm lớn nhất trong bức tranh kinh tế vĩ mô được đánh giá là ổn định hơn với hầu hết các chỉ tiêu đều hoàn thành kế hoạch đề ra.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao số lượng DN chết lại tăng, trong khi những yếu tố gây khó khăn lớn nhất với họ như lạm phát, lãi suất... đều đã giảm khá mạnh? Chắc chắn nhiều người sẽ trả lời, do sức mua yếu. Không bán được hàng thì không có sản xuất. Không sản xuất thì không có tiền để duy trì hoạt động và cuối cùng là đóng cửa. Điều này nghe qua thì đúng, nhưng xét kỹ thì lại chưa hợp lý. Vì chiếu theo logic, lẽ ra lãi suất giảm, lạm phát được kiềm chế thì chi phí đầu vào của DN cũng phải giảm theo, kéo giá thành hạ xuống, từ đó kích sức mua tăng lên, giúp DN giải phóng tồn kho, duy trì sản xuất mới phải. Nhưng hãy nhìn trên thị trường, giá hàng hóa - tiêu dùng trong năm qua có thật sự giảm? Có thể thấy là rất ít, thậm chí có nhiều sản phẩm, dịch vụ còn tăng. Bởi khi lãi suất giảm thì hầu hết DN đã không còn đủ sức để hấp thụ vốn. CPI giảm trên tổng thể nhưng hầu hết các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá. Mới nhất là xăng tăng thêm gần 600 đồng/lít, đẩy giá xăng cao nhất trong lịch sử, lên 24.570 đồng/lít. Ngay sau khi xăng tăng, vận tải nhấp nhổm tăng theo và tất nhiên, giá hàng hóa, dịch vụ sẽ được cộng thêm phần tăng chi phí vận tải. Trong bối cảnh này, DN dù có muốn giảm giá, cũng bó tay. Nhiều cái “không ảnh hưởng” dồn lại... góp phần vào kết quả hơn 60.000 DN đóng cửa nói trên.
Có một lý do không thể nhắc tới, đó là tỷ giá. Trong cuộc họp ngành Ngân hàng mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Văn Bình đã nêu tên một số DN gọi điện “xin” tăng tỷ giá để tăng thêm lãi. Nhưng đó là với các DN còn có lãi. Còn với rất nhiều ngành sản xuất, việc kìm tỷ giá nhiều năm liên tục đã khiến hàng hóa trong nước đắt hơn hàng hóa cùng chủng loại của các nước khác khá nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng ngoại ngày càng lấn át hàng nội ngay tại thị trường nội địa. Hãy nhìn ra ngoài thị trường, ở phân khúc giá rẻ, hàng Trung Quốc tràn vào thị trường từ tăm tre, bao lì xì, sơn móng tay, quần áo, giày dép cho tới máy móc, nguyên vật liệu. Ở tầm trung, hàng Thái, Malaysia, Hồng Kông, Hàn Quốc... ép sân hàng nội. Vậy thì DN Việt chết vì sức mua giảm hay cạnh tranh không nổi với hàng nhập, hàng lậu, có lẽ mỗi chúng ta đều có câu trả lời.
Nguyên Hằng
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững