Cùng bàn luận
Giảm áp nợ công
Nợ công đang là một trong những vấn đề nóng nhất của nền tài chính quốc gia. Mấy năm gần đây, nợ công của Việt Nam có xu hướng tăng cao, tiệm cận với mức trần Quốc hội cho phép. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn là một trong những nỗi lo hàng đầu của Chính phủ nhiệm kỳ này.
Nợ công phát sinh khi Nhà nước mong muốn hoặc bắt buộc phải chi tiêu vượt quá khả năng thu của mình (khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác) thì phải vay vốn. Nợ công là hệ quả của việc Nhà nước tiến hành vay vốn và Nhà nước phải có trách nhiệm hoàn trả. Quản lý và sử dụng tốt nguồn vốn từ nợ công sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế, làm gia tăng nguồn lực cho Nhà nước, từ đó tăng cường nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và tăng khả năng đầu tư đồng bộ của Nhà nước. Huy động nợ công còn góp phần tận dụng được nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân cư, tận dụng được sự hỗ trợ từ nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế. Thế nhưng nếu quản lý và sử dụng không tốt nguồn vốn từ nợ công sẽ đem lại gánh nặng nợ nần cho con cháu chúng ta.
Để giảm áp nợ công, theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp cơ bản nhất là tạo môi trường thuận lợi và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách Nhà nước. Cải thiện cân đối ngân sách Nhà nước, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay. Xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính trung hạn gắn với chiến lược quản lý nợ công, kiểm soát bội chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công trong cùng thời kỳ. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách Nhà nước và nợ công. Để phù hợp với thông lệ quốc tế, Việt Nam cũng nên có một cơ quan chuyên trách quản lý nợ công theo mô hình văn phòng quản lý nợ chuyên nghiệp trên thế giới nhằm mục tiêu hướng tới tập trung toàn bộ các chức năng nợ công vào một bộ phận duy nhất, giảm sự phân tán và tăng cường sự phối hợp trong quản lý nợ.
Vấn đề cấp bách hiện nay để tạo cơ sở pháp lý cho việc giảm áp nợ công là cần phải sửa đổi Luật Quản lý nợ công cho phù hợp với thực tiễn, trong đó, cần quy định rõ hơn trách nhiệm vay và trả nợ; quản lý nợ, thắt chặt việc cấp bảo lãnh Chính phủ nhằm sử dụng nợ công hiệu quả hơn.
ĐỖ PHÚ THỌ
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ