Cùng bàn luận
Giáo dục kỹ năng sống cho con trẻ
Trong bất luận hoàn cảnh nào, dù với lý do gì, khi trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại sẽ luôn là nỗi ám ảnh, tổn thất nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần của các em. Đáng lo ngại hơn bởi ký ức hằn sâu này không dễ gì xóa bỏ trong suốt quá trình hình thành nhân cách, đặc điểm tâm sinh lý của trẻ sau này.
Không thể phủ nhận những cố gắng thời gian qua của ngành Giáo dục khi mà môn học Giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống được các nhà trường chú trọng song song với các môn học chính. Nhiều trường học đã chú trọng dạy học sinh những kỹ năng sống cơ bản, xử lý, làm chủ các tình huống xảy ra trong cuộc sống, như: phòng chống đuối nước; phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông; phòng chống kẻ gian dụ dỗ, bắt cóc... Những kiến thức và kỹ năng ấy là hành trang cần thiết để các em làm chủ bản thân khi không có người lớn bên cạnh.
Mặc dù vậy, cũng phải thấy rằng, những kiến thức về pháp luật mà chế tài của nó điều chỉnh hành vi ở từng độ tuổi đáng ra các em phải biết thì trên thực tế các em còn rất thiếu. Bởi thế, chính các em học sinh theo từng độ tuổi không hề biết rằng, ở độ tuổi đó, làm việc đó của mình là phạm pháp. Hậu quả những vụ việc đó là rất nghiêm trọng, không chỉ nạn nhân phải chịu đau đớn, tổn thất mà chính các em học sinh là đối tượng gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tùy mức độ.
Gia đình, nhà trường và xã hội có ý nghĩa quyết định trong việc giáo dục, ngăn ngừa, hạn chế các em vi phạm pháp luật. Nhà trường với chức năng quản lý, truyền thụ kiến thức, rất cần bồi dưỡng cả kỹ năng sống cần thiết, chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách để các em trở thành những công dân tốt. Cùng với nhà trường thì chính trong mỗi gia đình cần giáo dục, quản lý các em với trách nhiệm cao nhất. Ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng người khác được hình thành từ những nền nếp, việc làm rất nhỏ hàng ngày trong các gia đình, đến những kiến thức pháp luật mà cha mẹ phải có trách nhiệm cung cấp, truyền thụ, hướng dẫn con em mình. Lứa tuổi học sinh, thể chất, tâm sinh lý thay đổi nhanh, bởi thế cha mẹ, thầy cô phải thật sự gần gũi, theo sát, bám nắm mới có thể hiểu được những suy nghĩ, hành vi của các em, từ đó kịp thời có sự định hướng, uốn nắn. Toàn xã hội cũng phải có trách nhiệm chung tay giáo dục kiến thức, đạo đức, lối sống cho con trẻ mà đi đầu là sự gương mẫu của người lớn ngoài xã hội. Một xã hội gương mẫu, nghiêm minh và nhân văn có giá trị ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành nhân cách con trẻ.
NGUYỄN TUẤN
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh