Cùng bàn luận

Giữ gìn chữ tâm cho nhà giáo

Thứ Tư, 18/11/2015 | 15:38

Khi đến gần Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cả xã hội lại thể hiện thái độ trân trọng, sự biết ơn với những đội ngũ thầy, cô giáo. Vậy mà một giáo viên với mấy chục năm trong nghề lại đầy tâm trạng khi nói về ngày 20/11…

Cũng dễ hiểu cho những ưu tư của người giáo viên kia cũng như bao nhiêu thầy cô giáo khác trong cả tỉnh, cả nước khi mà trên các phương tiện truyền thông gần đây đầy rẫy những thông tin, bài viết về nạn bạo hành trẻ em ở trường mầm non, tệ ép học sinh đi học thêm hay tình trạng lạm thu trong các trường phổ thông, rồi chuyện lãnh đạo địa phương phát biểu có ý xúc phạm nhà giáo… Nếu cứ theo dõi những thông tin này, chắc hẳn niềm tin về những người gieo chữ sẽ bị lung lay. Và rồi truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng bị phai mờ dần và bị bóp méo theo sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường.

Nhưng trong khi thông tin quá nhiều về mặt trái của “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”, lại chẳng có mấy cơ quan thông tin đại chúng lại nói được đằng sau những tiết dạy, những buổi đến lớp để truyền đạt kiến thức cho học sinh là những hy sinh thầm lặng, những thiệt thòi không phải ai cũng có thể chịu đựng được. Dù đồng lương đã được nâng lên nhưng đến giờ rất nhiều giáo viên vẫn không thể sống bằng lương, đó là chưa kể nạn nợ lương, chậm lương mà các địa phương thường làm khi than thở “thiếu kinh phí chi trả”. Và nếu nghe được câu chuyện của một giáo viên đi dạy cách nhà gần 30km trong suốt 15 năm vẫn chưa được thuyên chuyển về gần gia đình; một giáo viên trẻ vừa vào nghề đã phải nói lời hối hận khi chọn nghề mình yêu thích; không ít giáo viên sau khi cương quyết rời khỏi nghề đã thẳng thừng tuyên bố mình đã làm đúng, dù trong sâu thẳm vẫn còn yêu lắm cái “nghề gõ đầu trẻ”…, thì mới hiểu nỗi niềm chua chát của người thầy thời nay. Thật đắng lòng thay!

Trước những vấn đề tiêu cực trong ngành Giáo dục, mọi người kêu gọi đội ngũ giáo viên hãy giữ gìn tâm đức của người thầy. Tuy nhiên, để cái tâm người thầy được sáng mãi, phải có sự vun đắp, giữ gìn từ cả xã hội bằng hành động cụ thể, bằng sự tôn trọng thật tâm chứ không chỉ là lời kêu gọi suông. Thầy cô là những người bình thường như mọi người, để họ dùng hết tâm huyết cho nghề thì ít nhất họ phải sống được, thậm chí là sống tốt với nghề.

N.L

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.