Cùng bàn luận
Giữ gìn di sản xanh
Những năm gần đây, các lĩnh vực, hoạt động gắn liền với từ “xanh” ngày càng trở nên phổ biến, quen thuộc với con người, như: Môi trường xanh, đô thị xanh, năng lượng xanh, giao thông xanh, du lịch xanh, nông nghiệp xanh, tiêu dùng xanh... Hơn thế, có cả một trào lưu “sống xanh” đang được cổ vũ, vì đó là lối sống thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên.
Cùng với xu hướng “xanh hóa” cuộc sống, các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị tích cực, nhân văn của di sản đã được định danh là “Di sản xanh”.
Tên gọi “di sản xanh” hàm ý nhiều điều tốt đẹp. Đó là những di sản trồng nhiều cây xanh, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, thân thiện với môi trường và có không gian trong lành. Với mong muốn tôn vinh di sản xanh, chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Tuần văn hóa du lịch “Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức trong dịp này như: Triển lãm “Ấn tượng di sản thiên nhiên Việt Nam”; trưng bày giới thiệu hơn 100 tác phẩm nhiếp ảnh đẹp về di sản Việt Nam; ngày hội vẽ tranh “Thiếu nhi với di sản thiên nhiên Việt Nam”; chương trình giao lưu và thi tìm hiểu “Tuổi trẻ với di sản thiên nhiên”… Những hoạt động này nhằm thức tỉnh vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, nhất là giới trẻ trong việc tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học trong thiên nhiên, giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học, thẩm mỹ tại các danh lam thắng cảnh.
Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, hiện nay cả nước có hơn 3.300 di tích quốc gia, trong đó có 8 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh, 85 di tích quốc gia đặc biệt và 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Các di tích, khu dự trữ sinh quyển này không chỉ khẳng định chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt, mà còn thể hiện diện mạo giang sơn gấm vóc và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng của đất nước ta. Tuy nhiên, những chùa chiền, miếu mạo, lăng tẩm, hay các thắng cảnh không phải "nhất thành bất biến", mà nó cũng có thể bị thay đổi, thậm chí bị biến dạng, tàn phá bởi sự tác động của thiên tai và nhân tai.
Coi trọng bảo tồn, phát huy di sản xanh thực chất là giữ gìn môi trường trong lành cũng như bảo toàn tính xác thực, tính toàn vẹn, tính thẩm mỹ tại các điểm di tích, khu du lịch. Kinh nghiệm của nhiều nước có nền du lịch phát triển cho thấy, khi di sản xanh trở thành thương hiệu điểm đến du lịch thì đó chính là “thỏi nam châm” hút khách, bởi môi trường an lành, cảnh quan xanh tươi, con người thân thiện, văn minh là những tiêu chí hàng đầu để du khách lựa chọn. Vì thế, nhiều chuyên gia du lịch có cơ sở khi nhận định rằng, bảo tồn, phát huy di sản xanh chính là một trong những cách làm du lịch thiết thực, hiệu quả và bền vững nhất.
ANH THẢO
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ