Cùng bàn luận
Giữ truyền thống cho muôn đời sau
Truyền thống là những giá trị xã hội của quá khứ được giữ gìn và trao truyền từ đời này sang đời khác, tạo nên một sức mạnh tinh thần to lớn với một cộng đồng, một quốc gia, thậm chí là cả thế giới.
Với một đất nước luôn phải hứng chịu gót giày đô hộ qua ngàn năm từ phong kiến phương Bắc đến các nước tư bản, đế quốc xa xôi, có lẽ truyền thống quý báu nhất của người Việt là yêu nước. Truyền thống yêu nước luôn nằm sẵn trong dòng máu mỗi người Việt, hun đúc trong tim một sức mạnh mà khi đất nước lâm nguy, Tổ quốc lên tiếng, lớp lớp người sẽ đồng thanh lên tiếng “chúng tôi sẵn sàng”…
Truyền thống được trao truyền qua các thế hệ bằng sách vở, bằng tinh thần xã hội, bằng thái độ, hành động, việc làm của những người đang sống. Khi thế hệ hôm nay biết gìn giữ truyền thống của hôm qua bằng thái độ sống tốt, xứng đáng với những giá trị của dân tộc thì chính họ cũng đã tạo ra truyền thống cho thế hệ mai sau. Cứ thế, những lớp người ra sức xây dựng quê hương đất nước bằng sức mạnh truyền thống, bằng niềm tự tôn dân tộc được xây dựng vững chắc trong tim mỗi người.
Tiếc thay, trong xã hội hiện đại, với sự tác động của những giá trị của nền văn minh vật chất, không ít người đã xem thường giá trị của truyền thống. Thế giới ảo mang đến những kết nối không biên giới, và cũng từ đó nhiều người đã quên mất cội nguồn đất Việt của mình. Thật buồn khi có bạn trẻ lớn giọng phán rằng “người Việt không văn minh”, “xứ mình sao thua kém xứ người nhiều quá”, “đất nước này thật chán”… Họ cho rằng mình văn minh, họ luôn tự hào về kho tàng kiến thức lớn lao của mình nhưng chính họ đã quên mất điều văn minh nhất là sự tôn trọng nguồn cội.
23/8 là ngày truyền thống cách mạng của tỉnh. Việc giáo dục truyền thống trong thời đại ngày nay rõ ràng không thể chỉ trông chờ vào sách vở. Nhiệm vụ đó đòi hỏi phải có sự tham gia tổng lực từ các cấp, các ngành, mỗi tổ chức chính trị - xã hội và hơn hết là mỗi người với trách nhiệm với thế hệ tiếp nối. Giáo dục truyền thống phải bằng cái tâm chứ không phải chỉ là sự hời hợt bên ngoài. Bởi ở góc độ nào đó, giáo dục truyền thống chính là một cách “trả nợ” lịch sử, là sự đền đáp với cha ông đã ngã xuống cho cuộc sống thanh bình hôm nay. Và theo cách đó, giữ gìn truyền thống mới thật sự có ý nghĩa!
N.L
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ