Cùng bàn luận
Hành động quyết liệt để bảo vệ trẻ em
Những vụ xâm hại tình dục, rồi nạn bạo lực học đường mà đối tượng là trẻ em, trẻ vị thành niên đang ngày càng gia tăng một cách đáng lo ngại cả về số lượng lẫn bản chất vấn đề.
“Trẻ em như búp trên cành”, chăm sóc nâng niu để những búp non nở ra thành những cánh hoa tươi đẹp, tỏa ngát hương cho đời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Và trên thực tế, Đảng, Nhà nước luôn có những chủ trương, chính sách để chăm sóc, bảo vệ, tạo điều kiện một cách tốt nhất cho trẻ em phát triển.
Tuy nhiên, trong khi một số cấp ủy chưa thật sự quan tâm đúng mức công tác này thì sự xâm nhập của văn hóa độc hại đến từ các sản phẩm truyền thông mang tính bạo lực, đồi trụy đã lặng lẽ gây nhiễm độc môi trường văn hóa, từ gia đình đến trường học. Thay vì học những bài học về lòng nhân ái, về truyền thống nhân văn của dân tộc thì học sinh ngày nay lại để tâm xem những clip, bộ phim đánh nhau, chửi nhau… vốn nhan nhản trên mạng xã hội. Nhưng đáng nói hơn cả là sự xuống cấp đạo đức của những người lớn, trong đó có cả thầy giáo, cán bộ, công chức hay cha, mẹ của trẻ. Họ xâm hại thân thể trẻ như một thú vui đồi trụy, bạo hành trẻ để tìm một lối giải thoát cho cuộc sống bế tắc… Và cuối cùng trẻ em là người gánh chịu tất cả những hậu quả, có khi là trong cả cuộc đời còn lại. Một thế hệ lớn lên trong sự đe dọa của những hành động độc ác đang hướng đến mình thì thế hệ ấy sẽ làm được gì cho đất nước trong thời đại của mình? Câu trả lời chắc chắn là không tích cực!
Cho nên ngay từ bây giờ, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội phải hành động. Hành động nhanh chóng và quyết liệt, không nể nang, e dè. Hành động để xử lý từng tình huống, trường hợp, nhưng cũng phải hành động để răn đe, ngăn ngừa thực trạng chung. Không thể cứ mỗi khi xảy ra một câu chuyện đau lòng, chúng ta lại lên án kẻ ác, an ủi động viên nạn nhân và sau đó mọi chuyện rơi vào im lặng rồi quên lãng. Hành động phải đến từ chủ trương, chính sách, của pháp luật nghiêm minh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, hay tiếng nói đồng lòng của toàn xã hội. Khi nào những hành vi xâm hại trẻ em không còn môi trường để dung dưỡng, thì lúc ấy trẻ em mới được bảo vệ thật sự!
A.N
- TP. Bạc Liêu: Hơn 140 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ
- Chủ tịch UBND tỉnh phân công ông Dương Hồng Tân phụ trách Sở GD-ĐT
- Kiểm tra, giám sát Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh