Cùng bàn luận
Học cách ứng xử an toàn giao thông
Những vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra liên tiếp gần đây đã đẩy nỗi lo về mất an toàn giao thông (ATGT) trong xã hội lên cao hơn. Không phải gần đây mà đã từ lâu, ATGT luôn được quan tâm với rất nhiều giải pháp được áp dụng nhưng rồi TNGT vẫn cứ tăng và có những vụ tai nạn gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng con người.
Có thể thấy những giải pháp bảo đảm ATGT hiện nay khá toàn diện và đồng bộ, từ tuyên truyền giáo dục, kiểm tra, xử lý vi phạm bằng các hình thức nghiêm minh của pháp luật đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông. Các cơ quan quản lý nhà nước, chịu trách nhiệm về đảm bảo ATGT gần như đã thực hiện mọi biện pháp để ngăn ngừa sự gia tăng của TNGT. Cho nên khi một vụ xe khách bị tông làm hàng chục người tử vong, một vụ chìm tàu làm nhiều người thương vong... dư luận không khỏi băn khoăn: liệu các giải pháp bảo đảm ATGT đó đã thật sự phát huy hiệu quả chưa hay vẫn còn nặng về hình thức, chưa làm thay đổi căn bản ý thức của người tham gia giao thông?
Ý thức tham gia giao thông của người dân - vấn đề luôn được nói đến đầu tiên khi tình trạng vi phạm ATGT được đem ra mổ xẻ. Không phải bàn cãi, rõ ràng ý thức của người tham gia giao thông vẫn không cao dù có nhiều cảnh báo, dù các hình thức tuyên truyền về ATGT vẫn hiện diện trên mọi nẻo đường, tuyến phố và các bài học về nội dung này cũng đã đi vào trường học từ mầm non đến phổ thông. Vậy có phải cách giáo dục, tuyên truyền của chúng ta chưa thấm vào suy nghĩ, cách tư duy của mọi người để làm thay đổi hành vi của mình, từ đó xây dựng được môi trường giao thông văn hóa hơn? Vâng, chuyện ứng xử văn hóa khi tham giao thông không thể nói một sớm một chiều là có thể xây dựng được, mà chắc chắn là phải làm lâu dài, rộng rãi và hiệu quả. Người lớn phải làm gương cho trẻ nhỏ, cán bộ làm gương cho nhân dân, người thực thi pháp luật nêu gương đầu tiên, giáo viên dạy học sinh về ATGT không chỉ trên lớp mà còn phải trên đường... làm sao để ứng xử ATGT trở thành một thói quen và có hiệu ứng tốt được lan truyền trong xã hội. Khi người dân không tặc lưỡi cho qua chuyện vượt đèn đỏ, không chấp nhận việc xe chở người vượt quá quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ra đường hay không kéo nhau đi xem đua xe trái phép... thì lúc đó những hành vi vi phạm ATGT sẽ tự động biến mất vì không còn nhận được sự đồng tình của xã hội. Và cũng đến khi đó thì mới mong TNGT được giảm đến mức thấp nhất!
N.L
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ