Cùng bàn luận
Khai thác biển để giữ biển
Chưa bao giờ vấn đề chủ quyền biển đảo lại nóng với tất cả các quốc gia có tài nguyên biển như hiện tại. Biển không chỉ là đường giao thông quan trọng hàng đầu, là kho tài nguyên thiên nhiên khổng lồ mà bất cứ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ đều muốn sở hữu. Biển còn là biểu tượng thiêng liêng cho hình ảnh Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử.
Ngày 1/4 hàng năm là ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, một ngành gắn liền với biển. Với các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản, ngành Thủy sản là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Nhưng không chỉ làm kinh tế, ngành Thủy sản thời hội nhập với rất nhiều xung đột trên biển còn giữ nhiều vai trò, vị trí quan trọng khác. Hình ảnh những ngư dân mạnh mẽ, đưa tàu ra khơi bám biển để làm giàu bây giờ được giao thêm một trọng trách: bảo vệ biển. Bởi hơn ai hết, họ là đại diện của người dân Việt Nam trên phần lãnh thổ không thể tách rời này. Bao nhiêu thế hệ đã qua, máu đã đổ để bảo vệ biển đảo, trong đó có máu của chiến sĩ lẫn ngư dân. Đến hôm nay, những nước lớn trên thế giới vẫn không ngừng để mắt tới vùng biển giàu có và có vị trí địa lý vô cùng quan trọng của nước ta. Và ngư dân, dù bị ức hiếp, bị ngang nhiên cướp bóc trên vùng biển quốc gia vẫn hiên ngang cho tàu ra khơi. Đó chắc chắn là niềm tự hào của ngành Thủy sản Việt Nam.
Biển cho tôm cá, cho tài nguyên thiên nhiên để con người làm giàu nên con người không thể chỉ biết khai thác đến cạn kiệt mà phải cùng gìn giữ. Trong trách nhiệm của mình, ngành Thủy sản đã có nhiều hoạt động để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để giữ môi trường biển được trong sạch. Và đất nước, xã hội mong đợi ngành Thủy sản làm được nhiều hơn thế nữa. Để kinh tế biển thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn cho sự phát triển chung của đất nước, để đất nước tiến ra biển lớn một cách vững chắc, ngành Thủy sản và từng ngư dân phải mạnh mẽ hơn nữa trên con tàu ra khơi với cách làm ăn mới, hiện đại nhưng bền vững, vừa có thể làm giàu từ biển, vừa giữ biển trên mọi mặt.
Bạc Liêu là một địa phương có biển. Trên con đường vươn ra biển của Bạc Liêu, ngành Thủy sản Bạc Liêu cũng phải luôn giữ vững tay lái để con tàu không bị tụt lại phía sau, để mỗi ngư dân không chỉ là một người khai thác mà còn là một chiến sĩ giữ biển, giữ Tổ quốc cho thế hệ mai sau.
N.L
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ