Cùng bàn luận
Làm mới du lịch
Hơn 2 năm qua, “du lịch đóng băng” do COVID-19. “Du lịch” nhưng bất động - “du lịch tĩnh”. Chính sự bất động này đã làm cho nhiều tổ chức, hiệp hội, cơ sở du lịch phải giải thể, phá sản bởi nguyên nhân… bất khả kháng.
Thời gian gần đây, dịch bệnh đã lắng xuống (nhờ bao phủ vắc-xin), du lịch có nhiều động thái mở cửa, kết nối tua tuyến, giới thiệu, mời chào các sản phẩm (SP)… sau những ngày dài “ngủ yên” để nhắc nhớ, mời gọi du khách…
Mới đây, tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ hội Hoa Ban với chủ đề “Lung linh miền Hoa Ban” trên cái nền của xứ sở Hoa Ban vùng Tây Bắc, nhằm mục đích kéo khách du lịch về với thiên nhiên vùng cao giữa mùa hoa nở. Hoa Ban là biểu tượng văn hóa, được kết nối trên hàng khuy áo trắng ngần, lung linh của những cô sơn nữ - là món quà lưu niệm mang bản sắc dân tộc không thể thiếu khi đặt chân đến vùng đất này.
Tỉnh Tuyên Quang cũng đã gấp rút tổ chức lễ hội “Khinh khí cầu”. Quảng Ninh với lễ hội Yên Tử. Bạc Liêu mấy ngày qua đã tổ chức ký kết hợp tác “toàn diện” về du lịch với TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với niềm tin du lịch sẽ khởi động trong tâm thế mới của “ngành công nghiệp không khói”, đóng góp tích cực cho nền kinh tế tỉnh nhà.
Tuy nhiên, sau 2 năm “ở đâu ở yên đó” do đại dịch, “tính nết” của khách du lịch cũng thay đổi, cả về tâm lý, tình cảm… cả về sở thích, hình thức chọn SP du lịch…
Du khách giờ đây thường “kết” những SP “du lịch xanh”, du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch độc - lạ… nhưng an lành, đậm chất nghỉ dưỡng… Những SP du lịch sang chảnh, hiện đại, đẳng cấp… không còn là lựa chọn của số đông.
Nắm bắt điều này, mới đây tỉnh Ninh Thuận đã đáp ứng sự độc - lạ ấy bằng cách “tận dụng” sự khắc nghiệt của thiên nhiên ngay xứ sở Phan Rang - “gió như phan, nắng như rang” để đầu tư cho ra SP khác biệt của bản xứ - phát huy cộng hưởng tối đa nét văn hóa Kinh - Chăm ngay trong SP du lịch để cuốn hút du khách.
Và họ cũng đã thành công khi tận dụng “đặc sản gió” - nghe đâu chỉ có gió ở Ninh Chữ (Ninh Thuận) mới đủ chuẩn làm SP du lịch tốc độ - SP du lịch lướt ván diều cả trong 4 mùa (tốc độ gió trung bình 17 hải lý/giờ - rất lý tưởng cho môn thể thao này).
Một “đặc sản” được tận dụng nữa là nắng - “nắng như rang” ở Ninh Thuận mà chiếu trên vùng đồi cát thì thịt da đúng là như bị… “rang”. Cái nắng này đã giúp họ thành công mỹ mãn trong làm điện mặt trời. Gần đây đã được Ninh Thuận tận dụng làm du lịch trải nghiệm - làm muối. Du khách có thể tham gia trải nghiệm vào nghề làm muối trong cái nắng rát bỏng tùy vào công đoạn của nghề ngay dịp du khách lui tới…
Rồi biển cát mênh mông chói chang nắng, gợi nhớ về một thời… “chó ăn đá, gà ăn sỏi”… giờ được các nhà đầu tư “âm thầm đầu tư” với nhiều SP du lịch phù hợp. Đó là những dự án sản xuất nước mắm, trại nuôi dê, trại nuôi cừu... Trước đó không lâu, một dự án sản xuất phim đã thành công khá mỹ mãn với bộ phim nhiều tập: Cát đỏ! Câu chuyện phim xoay quanh trên đồi cát đầy nắng, đầy gió với những con người chân chất, đa thanh phần: du mục, lãng tử, bất cần đời… hợp quần trên đồi cát nắng, gió này rồi kết bè, kết bạn, để sống, để… yêu! Họ dựng nên trang trại chăn cừu, dựng lên xưởng nước mắm và những nghề tần tảo nhất ngay trên đồi cát khắc nghiệt…
Câu chuyện phim là sự gợi mở nhiều điều cho ngành Du lịch trong sự khắc nghiệt, hoang sơ của thiên nhiên. Biết đâu những trang trại chăn cừu, xưởng nước mắm, cách sống du mục… là những SP có sức hút mãnh liệt đến du khách thời nay? Còn nhớ, nho - cách trồng nho, thanh long… trên vùng cát nóng một thời là SP gần như độc quyền của Ninh Thuận làm say đắm khách lãng du.
Điểm qua vài mô hình khác biệt của xứ người để nhớ đến ta - Đất Bạc Liêu vang bóng một thời - một vùng đất đầy tiềm năng du lịch mà chỉ nghe tên thôi, du khách đã muốn “động chân” vác ba-lô lên đường. Bởi ở đó là xứ sở của Công tử Bạc Liêu - một cái tên đình đám cả trong Nam ngoài Bắc và cả trời Tây, ăn chơi khét tiếng… Phải chăng đây là “thương hiệu” có một không hai rất độc đáo từ khi công tử “ra chiêu” cho đến bây giờ… Nhưng làm thế nào để “sống lại” hình ảnh, giai thoại, tiếng tăm với tính khí ngông nghênh mà hào hiệp, sẵn sàng ban phát cho nông nô… khi ngẫu hứng! Ăn chơi vô lối nhưng đầy “sáng tạo” trong cách chơi, “anh chị” trong giao tiếp trước các đối thủ của mình… Và còn điều này nữa, Công tử Bạc Liêu (Ba Huy) thuê tài xế, tài công (lái xà lan) và phi công (Ba Huy là người thứ 2 ở Việt Nam bấy giờ có phi cơ - sau vua Bảo Đại) đều là người Pháp. Nghe đâu, ngoài việc họ có tay nghề thì Công tử Bạc Liêu muốn chứng tỏ “ngoại ban chỉ để làm thuê người Việt (là ông) chứ không phải người Việt làm thuê ngoại ban” ngay cái thời Pháp đô hộ nước ta. Nhưng đến nay cái “thâm ý” sâu xa có tính “quốc thể” này chưa được tường minh!
Tôi nghĩ làm du lịch mà sâu chuỗi, khai thác những nét dị biệt độc đáo này sẽ “ăn khách” không kém!
Bạc Liêu còn có câu ca dao nổi tiếng: “Bạc Liêu là xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu”. Nếu lần theo “nội hàm” trong câu ca dao, thì vùng đất rừng thiên, nước độc này đã sầm uất “trên bến, dưới thuyền” khi cha ông mở cõi, khi các dòng lưu dân ồ ạt di cư, lang bạt (trong đó nhiều nhất là người Triều Châu) “neo đậu” nơi này sau bao ngày tháng bôn ba!... Nếu lọc tất cả những xô bồ của xã hội thời ấy, thì cái còn lại là một Bạc Liêu… “đất lành”!
Thiết nghĩ, người làm du lịch nên khai thác triệt để cái chất văn hóa - xã hội thời ấy - kể cả tính cách người Bạc Liêu bây giờ vào các “mô hình” du lịch riêng có của Bạc Liêu?!
Cuối năm 2020, Bạc Liêu vinh dự được đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ VH-TT&DL đối với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” - là 1 trong 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam - nghề thủ công truyền thống.
Như vừa nhắc ở phần trên - Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải miền Trung cũng có nghề làm muối - thậm chí muối ở vùng này hạt còn “sáng - đẹp” nữa. Nhưng vì sao chỉ “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được công nhận? Đây là câu chuyện hấp dẫn để bàn, để tự hào, để tận dụng trong làm… du lịch không kém phần lý thú!
Xin được mạo muội phán đoán: Thứ nhất, muối Bạc Liêu dù không trắng bằng xứ biển xanh cát trắng, nhưng đậm đà hương vị của vùng đất phù sa châu thổ - không chát, không đắng, không tanh mà còn có hậu ngọt… vị mặn ngấm càng lâu thì “vị ngọt” sẽ có trên đầu lưỡi… Không thi vị hóa đâu, đó là một thực tế. Có lẽ vì vậy mà muối Bạc Liêu ghi điểm cho mình. Thứ hai, sự công nhận “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” mới là điều đáng nói.
Cánh đồng muối. Ảnh: P.T.C
Nghề làm muối Bạc Liêu có gì khác nơi khác? Về nguyên lý thì cơ bản giống nhau. Nhưng tính “thủ công” thì có khác. Thủ công từ khâu làm sân (làm nền) để sản xuất. Làm sân là phải san ủi, cào bằng, đầm đất… Độ dẻ của nền thế nào, độ chịu nắng (không nứt nẻ), độ chịu nước (không rút nước)… ra làm sao là cả một quá trình công phu… Mặt sân quyết định “chất và lượng” ban đầu của hạt muối.
Khâu tiếp theo là khâu lấy nước. Diêm dân phải biết “canh” thủy triều lúc nào “đủ chất” thì lấy nước vào ao lắng (ao lắng thứ nhất), sau khi nước đã… lắng thì “chuyển” qua ao lắng thứ 2. Tại đây khi nước “đạt chuẩn” mới chuyển tiếp nước qua sân (nền) đã làm từ trước. Công đoạn tiếp theo là… “canh nắng”. Khi đủ độ nắng thì muối sẽ “kết” thành hạt sau giai đoạn kết thành… muối… non! Thường thì nước kết thành hạt muối phải mất 15 đến 18 cái nắng. Nếu “được nắng” có thể sớm hơn nhưng không dưới 15 ngày thì muối mới đủ chất!
Ngày xưa, cách canh nước của diêm dân khổ lắm. Khi chưa có dụng cụ đo độ mặn như bây giờ, người ta “đo” bằng… hạt cơm là phổ biến. Hạt cơm được thả xuống nước ruộng muối ở 4 góc. Khi đủ độ mặn thì hạt cơm nổi lên. Nếu không nổi thì tiếp tục “phơi nắng nước”, đến khi nước sắc xuống đạt độ mặn thì sẽ kết thành muối… non. Rồi tiếp tục phơi nắng đến khi thành hạt. Hạt cơm trong nước phơi nắng bao ngày thì người diêm dân cũng phơi nắng chừng ấy! “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Câu ca dao phản ảnh sự nặng nhọc chung trong lao động, nhưng hình như cũng muốn “thở than” cùng nghề làm muối lam lũ. Bởi phận đời của diêm dân suy cho cùng là làm ra hạt muối để có hạt cơm cho đỡ đói lòng?!
Khâu thủ công cuối cùng là khâu cào muối (thu hoạch) thành đống. Cào thế nào để muối “đủ sản lượng mà vẫn đủ chất” là cả một nghệ thuật. Nếu mạnh tay, muối không đảm bảo chất lượng. Nếu nhẹ tay quá thì không đảm bảo sản lượng. Đây cũng là khâu các nhà nhiếp ảnh, các tay thợ ảnh bị mê hoặc. Hầu như không có mùa thu hoạch muối (cào muối) nào mà không có đội quân “chơi ánh sáng” đến góp vui. Bao nhiêu tác phẩm: “Muối mặn, muối đắng…” ra đời với nhiều giải thưởng trong ngoài nước là bắt đầu từ đây!...
Tôi rất đồng tình với một bài viết đăng trên báo Bạc Liêu rằng: “Muối Bạc Liêu không chỉ thuần túy là hàng hóa, kinh tế mà còn mang tính sáng tạo và phản ảnh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, điều kiện tự nhiên khác biệt của vùng đất”!
Và tôi cũng trộm nghĩ: Giá mà những người làm du lịch “xắn tay” vào cuộc bằng cách phát huy tính sáng tạo, bóc tách các phong tục, tập quán, tín ngưỡng… phù hợp để xây nên các mô hình cụ thể để du khách trải nghiệm trong các công đoạn của nghề làm muối. Tự tay du khách vác chày đầm sân, tự tay cho nước vào ruộng, tự tay đo độ mặn bằng hạt cơm, tự tay cào muối… sẽ là trải nghiệm hấp dẫn, nhớ đời!... Tất nhiên đi liền với đó, có những SP kèm theo. Chẳng hạn như “homestay… tu muối”, để du khách lưu lại; rồi những món ăn dân dã nhưng đặc sản của vùng đất phù sa châu thổ Bạc Liêu như: Cua rang muối, tôm rang muối, cá kèo, cá nâu, cá thòi lòi… nướng muối trên “vùng đất di sản… muối”!
***
Du khách thời nay có sự khác biệt khi lựa chọn SP du lịch… như đã nói ở phần trên. Du lịch khám phá, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm… được ưa chuộng nhất. Vì vậy, người làm du lịch, các tổ chức, hiệp hội du lịch cũng phải thay đổi, làm mới mình để thích ứng với sở thích du khách.
“Vui lòng khách đến, vừa lòng khách… quay lại”. Câu “khẩu hiệu” trong làm ăn, tưởng đơn giản nhưng cả một quá trình tìm kiếm, học hỏi, chia sẻ để có kết quả khả thi là điều không dễ…
Mấy dòng suy ngẫm này chỉ là ý tưởng có tính trao đổi, gợi mở với người làm dụ lịch, với ngành Du lịch tỉnh nhà trong “làm mới du lịch”.
N.N.K