Cùng bàn luận

LÃNG PHÍ “TÀI NGUYÊN THÔNG TIN”

Thứ Sáu, 09/08/2019 | 17:19

Một thông tin có giá trị, có tính định hướng, tính tư tưởng, tính giáo dục… được ví như một “tài nguyên”. Càng nhiều thông tin như thế thành kho tài nguyên. “Kinh doanh thông tin”, làm giàu từ thông tin (dịch vụ Internet, trò chơi điện tử…) là vấn đề không còn xa lạ trong đời sống kinh tế - xã hội.

Ở đây chỉ xin được bàn về vấn đề “lãng phí”, mà đối tượng bị lãng phí là “tài nguyên thông tin”.

Lãng phí “tài nguyên thông tin” được hiểu rộng hơn, chẳng hạn: Một thông tin… không có thông tin - lãng phí. Một bài viết dông dài mà độc giả không biết đâu là điều tác giả muốn nói - lãng phí. Một chương trình hoành tráng, nhưng điểm nhấn là đâu, ý đồ tác giả là gì không rõ - lãng phí! Lãng phí mặt báo vì “xí mặt bằng”, chiếm đất, chiếm sóng, chiếm giao diện… như cách dí dỏm của báo giới nhưng không có thông tin gì bổ ích, giá trị. Người đọc, người nghe, người xem thì bị lãng phí thời gian một cách vô bổ.

Một kiểu lãng phí nữa thường gặp, đó là: Từ một nguồn tin (chỉ là tin lạ, tin hiếu kỳ) nhưng nhiều cơ quan truyền thông tranh nhau khai thác - khai thác đến cạn kiệt, mà trong ngành Thủy sản gọi đó là kiểu “khai thác tận diệt” chỉ vì mục đích câu khách. Có trường hợp, nguồn tin “không có gì ầm ĩ” nhưng được các “nhà báo” nhìn ngắm nhiều chiều, mỗi người một kiểu khai thác, rồi dặm vá, thay tít, đổi tựa… nhưng “thông tin chính” vẫn không gì khác ngoài nguồn tin… ban đầu!

Vụ án “cô gái giao gà” ở Điện Biên được “tập trung” khai thác kiểu ấy. Cho đến nay, chưa có thống kê chính xác có bao nhiêu bài viết (báo in, báo điện tử, trang thông tin online, phát thanh, truyền hình) “thông tin” vụ án này. Chỉ biết rằng một khoảng thời gian trước - trong - và sau Tết Nguyên đán 2019, hầu như giờ nào, ngày nào cũng dày đặc “thông tin” về vụ án này. Có nhiều “thông tin” còn lôi cả quá khứ, lôi cả hàng xóm, dòng họ của cô gái nạn nhân lên mặt báo mà đôi khi những con người này không hề dính gì đến cô gái… Đây cũng là sự “lãng phí thông tin” - xài một cách quá mức không cần thiết…

Một điều lãng phí dễ thấy nhất là: trong khi những vụ án, những đề tài có tính tiêu cực (chém, giết, cướp, hiếp) thì rất hăng hái khai thác, còn những vấn đề người tốt, việc tốt lại rất ít để mắt. Trong đời sống có biết bao nhiêu việc tốt, việc tử tế… nhưng có bao nhiêu tờ báo thông tin, nhân rộng?

Một cụ ông cần mẫn suốt tháng năm, bỏ tiền, bỏ sức ra dặm vá những ổ gà trên các con đường, làm “liền” những hố ga có thể rình rập tính mạng người đi đường. Một nữ công nhân vệ sinh âm thầm dọn dẹp làm sạch ngõ phố nơi mình đang sống trong đêm vắng khi “xong việc nhà nước” trở về. Một cậu học trò cõng bạn tật nguyền đến lớp suốt nhiều tháng năm… rất ít được thông tin, nếu có cũng chỉ lác đác, thoáng qua… Những chuyện như vậy thì các “nhà báo” lại… “tiết kiệm” - tiết kiệm đến… lãng phí thông tin! Nhưng ở đây cũng xin mở ngoặc một chút cho công bằng là vì đối với xã hội thì việc làm của cụ ông, của chị công nhân và của cậu học trò đôi khi người ta cho đó là “gàn”, là “hâm”, là “người từ trên trời rơi xuống”… Còn đối với một số nhà báo lại bệnh sĩ: “Việc đó không thuộc sự quan tâm của nhà báo có tầm”! Thế là lãng phí lại… lãng phí!

Nhưng sự “lãng phí tài nguyên thông tin” đáng trách nhất là sự thiếu chủ động, thiếu kịp thời để thông tin phản bác, đấu tranh với những thông tin xấu, độc.

Chúng ta biết rằng, hằng ngày, hằng giờ, các thế lực thù địch có quá nhiều cách truyền thông xuyên tạc, nói xấu, kích động, bôi nhọ chế độ, quốc gia, dân tộc… Nhưng trận địa này thì ta có phần bỏ ngỏ, thiếu tính chiến đấu mà lẽ ra phải được tập trung tối đa, thì chính chúng ta lại… “tiết kiệm thông tin”!

Những thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch - nhất là giai đoạn chúng ta chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cứ liên tiếp truyền thông, dồn dập với tầng suất cao… lâu dần sẽ “ngấm” vào người đọc, người nghe rồi “tự chuyển hóa” vào lòng tin… Đây là lúc rất cần những nhà báo cách mạng có tiếng nói mạnh mẽ để đấu tranh, phản bác. Nhưng chính chúng ta đã không quyết liệt… xài!?

Lãng phí “tài nguyên thông tin” là vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc. Mỗi nhà báo cách mạng cần nghiêm túc với chính mình. Đừng lãng phí thông tin trên trận địa luôn nóng bỏng này để đấu tranh vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch đang hằng ngày, hằng giờ chống phá chúng ta.

Bài học cần nằm lòng: Càng có nhiều “thông tin hoa thơm - ắt hẳn sẽ lấn dần cỏ dại”.

N.N.K

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.