Cùng bàn luận
Lời giải khác cho nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực, yếu tố hàng đầu quyết định cho sự phát triển bền vững trong thời đại của nền kinh tế tri thức, luôn là vấn đề nan giải của các vùng còn khó khăn như ĐBSCL. Và cái cách để các địa phương có được nguồn nhân lực chất lượng cao như “trải thảm đỏ” với các chính sách hậu đãi dường như đã không còn hợp thời.
Những con số đưa ra đầu năm học mới: trong khi các trường đại học bằng mọi cách tuyển đủ chỉ tiêu cho các ngành đào tạo của mình thì trong toàn quốc đã có hơn 191.000 cử nhân thất nghiệp, chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế. Trái ngược với “nghịch cảnh” này, nguồn nhân lực ngành Y lại luôn “cháy hàng” với các địa phương nhằm phục vụ cho bệnh viện công thì lại đang bị các bệnh viện tư nhân thu hút bằng chính sách tiền lương dồi dào. Và thế là ngành thừa vẫn thừa mà nơi thiếu vẫn luôn thiếu. Đã có một thời gian, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách “trải thảm đỏ” với đồng lương cao ngất ngưỡng, chế độ nhà ở… Nhưng với các tỉnh nghèo, đó là một cuộc cạnh tranh quá đắt đỏ mà hiệu quả chưa chắc được như ý muốn. Và thực tế đã chứng minh: những “nhân lực chất lượng cao” chỉ gắn bó thời gian ngắn rồi ra đi, dù tất cả không phải chỉ vì tiền mà còn nhiều vấn đề về mối quan hệ, việc bố trí công tác… thì cũng đã cho thấy lời giải “trải thảm” không thể áp dụng mãi!
Như vậy thu hút hay đào tạo để tự xây dựng nội lực cho mình đã có lời giải. Lúc này bài toán “nguồn nhân lực” lại đặt ra vấn đề cũ: Đã đào tạo được nhưng giữ chân người tài bằng cách nào? Những nguyên nhân được phân tích gần đây về tình trạng nhiều bác sĩ ở bệnh viện công xin ra làm việc ở các bệnh viện tư cho thấy ngoài vấn đề lương cao, việc chậm thực hiện các chế độ chính sách hay sự bất hợp lý trong việc đối đãi với nhân lực ngành Y chính là điều mạnh mẽ đẩy các bác sĩ “dứt áo” ra đi. Điều đáng nói là trách nhiệm để xảy ra nguyên nhân này là các bộ, ngành Trung ương. Do đó địa phương muốn giải quyết chỉ còn cách đề nghị về Trung ương rồi chờ đợi!
Nguồn nhân lực là chuyện của cả quốc gia, mỗi địa phương tự xoay sở theo khả năng của mình chỉ giải quyết được một phần. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần phải có chính sách lâu dài, cụ thể trên từng lĩnh vực, đồng thời phải thực hiện nhất quán và kịp thời thì mới mong giải quyết tận gốc rễ bài toán nguồn nhân lực.
N.L
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững