Cùng bàn luận
Lời xin lỗi
Khi gây ra một hành vi sai trái, chưa đúng chuẩn, người ta thường hay nói “xin lỗi!”. Đó là một biểu hiện của ý thức trách nhiệm trước những việc làm, lời nói của bản thân mỗi người. Nhưng khi có quá nhiều quan chức gần đây nói xin lỗi, dư luận đã không thể không đặt câu hỏi “xin lỗi xong có qua chuyện không?”
Từ những vụ việc tai biến y khoa gây chết người ở Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, việc đòi cấp phép cả Quốc ca đến việc nhảy nhót phản cảm ở một công viên văn hóa, khi dư luận lên tiếng thì lập tức những người có trách nhiệm nói lời “xin lỗi”. Điều này, xét về mặt tích cực đã cho thấy một văn hóa “xin lỗi” đang được nhân rộng, bởi không phải ai cũng dễ dàng nói lời xin lỗi khi sau đó còn là danh dự và uy tín cá nhân. Tuy nhiên, nhận lỗi là một chuyện, chuyện quan trọng không kém là việc khắc phục hậu quả về sau cũng như xử lý nghiêm những người đã gây ra lỗi. Nhất là với những cán bộ trên những cương vị từ lãnh đạo trở xuống, việc khắc phục hậu quả một cách nghiêm túc với những vấn đề xảy ra không chỉ cho thấy họ thật sự có trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, mà còn giữ được sự gương mẫu, đi đầu của người đảng viên. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, với nhiệm vụ được giao lúc nào người đảng viên cũng phải đi đầu, kể cả việc nhận ra sai trái, khuyết điểm và nhận hình thức kỷ luật. Người dân hoàn toàn chấp nhận lời xin lỗi chân tình và cảm thông trước những nguyên nhân dẫn đến sai lầm, khuyết điểm đó. Nhưng sau lần xin lỗi thứ nhất lại nói lời xin lỗi thứ hai, thứ ba mà không có một hành động, biểu hiện cho thấy nghiêm túc sửa chữa sai lầm, khuyết điểm đó thì thật khó lòng chấp nhận được. Và lời xin lỗi lúc này đôi khi lại mang đến tác dụng ngược: người dân hiểu đó như một sự khỏa lấp, che đậy vội vã trước những việc làm sai trái mà không thực tâm muốn sửa sai.
Một lời xin lỗi là cần thiết, nhưng xin lỗi rồi cho qua luôn mà coi như không có gì thì đó cũng là những lời đầu môi, không thể lấy lại niềm tin trong lòng dư luận. Vì vậy hành động phía sau lời xin lỗi sẽ cho thấy hiệu ứng xã hội tích cực nếu lời xin lỗi ấy xuất phát từ thực tâm. Ngược lại, sau lời xin lỗi là tiếp tục những hành động coi thường kỷ cương phép nước, sự lạm dụng quyền lực thì tốt nhất đừng nên nói lời xin lỗi.
N.L
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ