Cùng bàn luận
Mất bao nhiêu thời gian để chủ trương đi vào cuộc sống?
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VIII, một lần nữa chủ trương hỗ trợ kinh phí cho những người làm việc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và khóm, ấp theo Nghị quyết 26/2013 của HĐND tỉnh lại được đại biểu đặt lên bàn của các cơ quan chức năng với câu hỏi: khi nào người được thụ hưởng chính sách nhận được tiền?
“Một lần nữa”, tức là trước đó đã mấy lần vấn đề này được hỏi và cũng được ngành chức năng giải thích đúng theo từng bước thực hiện. Đến kỳ họp thứ 14, kỳ họp cuối năm 2015 là sau 2 năm chủ trương được ban hành, vấn đề lại được nêu ra với cùng câu hỏi: khi nào thực hiện? Con đường từ chủ trương rất được cử tri, đặc biệt là những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở hoan nghênh và mong đợi, đến hành động thực tế xem ra khá dài. Và dường như không chỉ lần này, một số chủ trương khác dành cho cơ sở cũng có quá trình khá chật vật như thế để trở thành hiện thực. Giải thích của ngành chức năng rất rõ ràng, thể hiện tinh thần trách nhiệm nhưng chậm thì vẫn chậm và cán bộ ở cơ sở thì khó vẫn hoàn khó về kinh phí hoạt động đến nỗi mỗi lần tiếp xúc cử tri đều có ý kiến: quan tâm chế độ dành cho cấp cơ sở!
Chủ trương hay vì nó gần gũi và thiết thực với đời sống, giúp ích trực tiếp cho các tầng lớp nhân dân. Nhưng chủ trương hay không chỉ bởi được đưa ra đúng lúc mà còn bởi quá trình triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời để chủ trương đi vào cuộc sống. Nhưng đã có một số chủ trương, con đường đi vào đời sống khá gập ghềnh dù nó rất thực tế, rất phù hợp. Những trắc trở ấy đôi khi là lỗi của cả hệ thống, nghĩa là từ cơ quan có trách nhiệm chính trong việc thực hiện đến các cơ quan có liên quan. Nhưng cũng có khi đó chỉ là sự chậm trễ ở một khâu nhưng đã ảnh hưởng đến cả quá trình triển khai. Dù là lỗi ở một khâu hay toàn bộ hệ thống thì việc chậm triển khai một chính sách có lợi cho dân cũng là có lỗi với nhân dân. Thời gian để chủ trương đi vào cuộc sống dài hay ngắn tùy thuộc phần nhiều vào trách nhiệm của những người có trách nhiệm.
Bác Hồ dạy “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm/ Việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Nếu việc chậm triển khai những chủ trương ảnh hưởng đến đời sống nhân dân thì người cán bộ, thiết nghĩ cũng nên hết sức tránh!
N.L
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững