Cùng bàn luận
Muốn có thông tin tốt - hãy làm đúng!
Sự phát triển của các loại hình báo chí với tốc độ chóng mặt trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 đã đáp ứng ngày càng cao nhu cầu “được biết” của công chúng. Và khi báo chí tham gia sâu vào công tác phòng chống tham nhũng, đưa ra ánh sáng những vấn đề tiêu cực thì cũng đưa nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vào thế “khó xử”!
Chưa bao giờ báo chí lại “nhạy bén” với những vấn đề tiêu cực, những góc khuất bị cố tình che đậy cho những hành vi sai trái trong quá trình quản lý nhà nước như hiện nay. Ngoại trừ một số tờ báo (đặc biệt là báo mạng điện tử) chạy theo các kiểu tin giật gân, câu khách nhằm thu hút công chúng một cách rẻ tiền thì đại đa số cơ quan báo chí chính thống hiện nay luôn đấu tranh cho lẽ phải, đấu tranh cho sự công bằng xã hội.
Với công chúng, đó là sự đòi hỏi với báo chí. Nhưng với các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi xảy ra vấn đề tiêu cực, đó là một khó khăn, đôi khi là “nhạy cảm” bởi nó ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, đơn vị. Người đứng đầu nơi xảy ra tiêu cực không chỉ phải chịu trách nhiệm trước tập thể, trước cấp trên mà còn phải chịu sự phán xét của dư luận về những gì đã xảy ra. Vì vậy không ít trường hợp, những người có trách nhiệm luôn cố tình che giấu thông tin trước báo chí nếu có vấn đề tiêu cực xảy ra. Thậm chí đến khi đã xảy ra rồi, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục lảng tránh như là một cách ứng phó an toàn nhất với truyền thông. Tuy nhiên, đó chưa bao giờ là việc làm hay. Thay vì thẳng thắn đối diện với những thông tin nêu vấn đề tiêu cực, sự né tránh của các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm cho báo chí tìm kiếm thông tin từ những nguồn tin có thể không chính thống hoặc suy đoán theo chiều hướng “có thể” chứ không phải “chắc chắn”. Từ đó, dư luận không tốt sẽ càng lan rộng, và chính nơi che giấu thông tin lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Một cán bộ trong lĩnh vực tuyên truyền nói rằng: khi được giao nhiệm vụ xử lý các “sự cố truyền thông” liên quan đến địa phương, anh đã phát biểu muốn không cho báo chí nói xấu, trước hết xin đừng làm gì sai! Vâng, đơn vị, địa phương nào cũng muốn có thông tin tốt trên báo chí. Nhưng để có thông tin tốt thì hãy làm đúng với tinh thần trách nhiệm cao. Còn đã có sai sót, vốn không tránh được trong quá trình quản lý, điều hành, thì hãy thẳng thắn nhìn nhận để cùng sửa sai. Đó mới chính là điều công chúng mong muốn hơn cả.
A.N
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững