Cùng bàn luận

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA

Thứ Sáu, 01/07/2016 | 16:28

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ - Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã có ý kiến yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi bảo đảm an toàn nợ công bền vững.

Theo chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc thì ODA là viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi của các tổ chức nước ngoài, với phần viện trợ không hoàn lại chiếm ít nhất 25% giá trị của khoản vốn vay. Nói tóm lại, hỗ trợ phát triển chính thức ODA là nguồn vốn từ các cơ quan chính thức bên ngoài cung cấp (hỗ trợ) cho các nước đang và kém phát triển, hoặc các nước đang gặp khó khăn về tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các nước này.

Như vậy, tuy có những cơ chế, chính sách hết sức ưu đãi, nhưng nguồn vốn ODA không có nghĩa là sự cho không của các quốc gia phát triển đối với các quốc gia đang và kém phát triển. Thực chất, đó vẫn là một khoản đi vay của Nhà nước. Nghĩa là đã đi vay thì phải có nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, cần phải hiểu cho rõ bản chất nguồn vốn ODA để từ đó có cách quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích; đồng thời tạo ra lợi nhuận đủ khả năng thanh toán từng nguồn vốn khi đến kỳ trả nợ.

Hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA thời gian qua ở nước ta tuy đã phát huy được tác dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhưng vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn, đáng quan tâm. Đặc biệt, không ít người cho rằng: ODA là khoản viện trợ hoặc cho không của các quốc gia phát triển, nên chưa thật sự chú trọng trong quản lý, sử dụng một cách hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí; gây bức xúc trong dư luận xã hội không chỉ trong nước mà ngay cả đối với các nước dành nguồn vốn hỗ trợ ODA cho Việt Nam.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Phạm Bình Minh, cùng với việc triển khai thực hiện tốt Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thời kỳ 2016 - 2020, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương để xác định rõ trách nhiệm và quy trách nhiệm đến cùng trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn. Thực hiện cơ chế thị trường như hiện nay, vấn đề cần được quan tâm và ưu tiên hàng đầu chính là hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Bởi vậy, trong quản lý kinh tế nói chung, quản lý sử dụng ngồn vốn ODA nói riêng cần sớm loại bỏ tư tưởng “hiệu quả, thành tích là của cá nhân; khuyết điểm, hạn chế thuộc về tập thể”. Theo đó, vai trò cá nhân trong quản lý xã hội, nhất là trong quản lý kinh tế, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cần phải được nhìn nhận và đặt đúng vị trí trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.

LÊ LONG KHÁNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.