Cùng bàn luận
Nâng cao văn hóa ứng xử trong lễ chùa đầu năm
Lễ chùa đầu năm là một nét đẹp trong đời sống tâm linh luôn được duy trì trong mỗi người dân Việt Nam, thường được kéo dài đến hết tháng Giêng. Người ta đến chùa để cầu cho một năm mới bình an, may mắn, giúp họ vượt qua những khó khăn trắc trở trong cuộc sống.
Đối với người Việt Nam, lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm là về nơi cửa Phật, không đơn giản chỉ để mong muốn và ước nguyện, mà còn là lòng tin và những khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Việc đi lễ chùa không chỉ giúp cho người dân Việt Nam giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân - thiện - mỹ, làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội. Bởi vậy lễ chùa đầu năm không chỉ là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh mà còn mang một giá trị nhân văn cao cả.
Ứng xử văn minh, lịch sự nơi đông người, nhất là ở những nơi linh thiêng, trang trọng là điều mà hầu hết mọi người đã được định hướng, giáo dục. Thế nhưng, điều đáng phê phán là việc xả rác bừa bãi, ăn nói khiếm nhã, hút thuốc lá, ăn mặc phản cảm, hành động thô bạo..., ở chốn tôn nghiêm vẫn diễn ra bởi một bộ phận người dân thiếu ý thức. Sự biến tướng của lễ hội hôm nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có cả trách nhiệm thuộc về những người quản lý và những người tham dự lễ hội.
Nhiều người đặt ra câu hỏi phải chăng một bộ phận người Việt do thiếu hiểu biết về tín ngưỡng nói chung và về đạo Phật nói riêng, đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn với chùa chiền? Và nếu như không có sự thay đổi trong thái độ đi chùa thì có lẽ chúng ta đang đánh mất dần đi nét đẹp truyền thống cũng như phần nào giảm bớt đi lòng thành với cửa Phật, với thánh thần tâm linh.
Hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi chùa lễ Phật sẽ góp phần nâng cao văn hóa và giá trị của các lễ hội gắn với chùa. Bản thân mỗi người cần gìn giữ và thanh lọc để đi lễ chùa trở thành một nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh.
Nguyễn Minh
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ