Cùng bàn luận

Nâng chất cán bộ, công chức - khó đến đâu?

Thứ Ba, 16/09/2014 | 08:24

Một người quen của tôi, vốn là một nhà giáo lâu năm, nổi tiếng nghiêm khắc, liêm khiết, một lần đã phải e dè hỏi thăm việc làm dùm một học trò cũ tốt nghiệp một ngành xã hội của một trường đại học danh tiếng nhưng đã thất nghiệp mấy năm rồi. Một thạc sĩ, vốn là sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi rồi tiếp tục học lên cao học, cũng vất vả, lận đận với con đường xin việc. Tất cả họ đang nằm trong con số một trăm mấy mươi ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp trong cả nước. Ở một tỉnh khá nhỏ về diện tích cũng như nền kinh tế như Bạc Liêu, những cử nhân ấy đang loay hoay tìm cách kiếm thêm thu nhập bằng công việc của những lao động phổ thông để trang trải cuộc sống hàng ngày. Những kiến thức chuyên môn, sự nhiệt tình, tâm huyết trong mỗi con người họ tạm thời bị xếp lại và chưa biết bao giờ được dùng dù mỗi ngành, mỗi địa phương khi phát biểu đều rất cần nguồn nhân lực như thế.

Lại nhớ về một câu chuyện khác. Tại buổi công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2013, Bộ Nội vụ cho biết trong lĩnh vực mà 19 bộ, ngành Trung ương được đánh giá đều có điểm số thấp là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức (trung bình là 58,67%). Và kết luận của Bộ Nội vụ là việc nâng chất đội ngũ cán bộ, công chức là hết sức khó khăn, chưa có biện pháp hữu hiệu. Trước đó, đã có sự tranh cãi về con số thực chất: chỉ 1% hay đến 30% cán bộ, công chức không làm được việc!

Cán bộ không làm được việc với cử nhân thất nghiệp tưởng là 2 nhưng thật sự là cùng một vấn đề. Một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách Nhà nước và tiền của xã hội để đào tạo nay lại không làm được gì. Thế mà trong mỗi ngành, mỗi cơ quan, cũng có những người đang ung dung “sáng cắp ô đến, chiều cắp ô về”, dù làm việc không hiệu quả nhưng vẫn không sợ bị đào thải, lấy chỗ cho những cử nhân có tài bên ngoài đang chờ việc. Những quy định, cách thức đánh giá cán bộ, công chức qua nhiều bậc, nhiều vòng nhằm đảm bảo sự đánh giá được khách quan, ở mặt nào đó lại chính là vòng vây giúp cán bộ, công chức, viên chức ổn định công việc của mình. Chẳng thế mà người ta cứ muốn vào cơ quan Nhà nước thay vì đi làm ở ngoài lĩnh vực tư nhân, vừa năng động lại vừa có thu nhập cao.

Việc nâng chất cán bộ, công chức không biết khó đến đâu, nhưng khi có hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp đang mòn mỏi chờ được phát huy năng lực và trình độ, trong khi những cán bộ, công chức không chất lượng vẫn “bám trụ” được vị trí của mình thì việc cải cách hành chính, nâng cao năng lực bộ máy cơ quan công quyền một cách hiệu quả chắc cũng khó không kém!

N.L

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.