Cùng bàn luận
Năng lực thực tiễn
Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hành động, một sự việc gì đó. Năng lực là phẩm chất tâm lý và sinh lý tạo cho con người khả năng hoàn thành các hoạt động với chất lượng cao - theo định nghĩa của Tự điển tiếng Việt.
Năng lực là một đặc tính có thể đo lường được của một người về kiến thức, kỹ năng, thái độ… cũng như các phẩm chất cần thiết để hoàn thành được nhiệm vụ. Năng lực là yếu tố giúp một cá nhân làm việc hiệu quả hơn so với người khác, cũng là một trong những thước đo để đánh giá cá nhân với nhau. Năng lực bao gồm các hành vi phù hợp với việc làm, động cơ, kiến thức, kỹ năng và được xác định thông qua kết quả về việc làm và vai trò công việc.
Từ cách nhận biết về năng lực, xin được bàn đến “năng lực thực tiễn” - cụ thể hơn là “năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ”.
Nói một cách khái quát nhất, năng lực thực tiễn của cán bộ là tổng thể các thuộc tính hợp thành khả năng giúp cán bộ hoạt động thực tiễn có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức trách của mình. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài để gánh vác nhiệm vụ cách mạng.
Đảng ta đánh giá: Đa số cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt. Đồng thời cũng chỉ rõ còn không ít tình trạng cán bộ nói nhiều, làm ít, nói không đi đôi với làm, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Nguyên nhân của sự hẫng hụt này là “năng lực thực tiễn” chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, không ít cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ. Trong thực tế có khá nhiều cán bộ quản lý và cán bộ thực thi công việc lại bằng lòng với thực tại! Điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lãnh đạo, uy tín của cán bộ đối với quần chúng nhân dân. Việc bố trí cán bộ không phù hợp với nhiệm vụ, việc chạy theo số lượng, chỉ tiêu liên quan đến công tác tạo nguồn… là một trong những nguyên nhân dẫn đến cán bộ kém chất lượng. Xin lấy ví dụ từ việc phát triển đảng viên mới để minh họa cho điều này. Nhiều cơ quan, đơn vị được giao chỉ tiêu trong năm, trong thời gian cụ thể nào đó của nhiệm kỳ Chi bộ phải kết nạp cho được bao nhiêu đảng viên mới, xem đó như là “nhiệm vụ thi đua” bất di bất dịch phải hoàn thành, nếu không sẽ có đánh giá khác?!
Đành rằng, muốn tạo nguồn là phải xây dựng kế hoạch, phát hiện chăm bồi, phát triển… Nhưng có nên quá cứng nhắc, máy móc bằng con số cụ thể? Vì đã ấn định con số cụ thể thì nhất thiết “phải hoàn thành” cho dù biết trước chất lượng “non”, chất lượng kém?!
Trở lại vấn đề năng lực thực tiễn của cán bộ. Năng lực thực tiễn của cán bộ được tạo bởi khả năng xác định về mục đích, phương pháp, cách thức giải quyết mâu thuẫn, tạo ra động lực cho hoạt động, hình thành tình cảm gắn bó say mê với nghề nghiệp và kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động thực tiễn. Thực tiễn không chỉ là cơ sở mục đích, động lực, tiêu chuẩn để kiểm tra lý luận mà thông qua thực tiễn giúp cán bộ rèn luyện, trưởng thành.
Năng lực thực tiễn của cán bộ được thể hiện qua việc xác định mục đích đã lựa chọn là tiêu chí hàng đầu để đánh giá năng lực thực tiễn của cán bộ. Không thể đánh giá anh A., anh B. có năng lực mà chưa được cọ xát, thử thách qua thực tiễn. Năng lực thực tiễn chỉ được xác định trong thực tiễn công tác, cống hiến thực tế của cán bộ. Vì vậy việc xây dựng và bồi dưỡng cán bộ phải thông qua hoạt động thực tiễn. Sự thử thách từ thực tiễn là bài học sâu sắc bởi tính muôn màu muôn vẻ, có cả khó khăn, phức tạp, có đan xen giữa cái cũ và cái mới, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cái đúng và cái sai, ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất mong manh.
Bên cạnh hiệu quả công việc, cần coi năng lực thực tiễn là thước đo quan trọng về phẩm chất, năng lực của cán bộ.
Đối với bản thân từng cán bộ, muốn nâng cao năng lực thực tiễn thì phải tích cực, chủ động học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, rèn luyện ý chí, bản lĩnh; đồng thời phải thâm nhập vào hoạt động thực tiễn cuộc sống mới giúp nâng cao năng lực thực tiễn và hoạt động có hiệu quả. Từ những công việc trong hoạt động thực tiễn, cán bộ sẽ tích lũy, đúc rút kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống khó, phức tạp… tạo nên phẩm chất, năng lực toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Không thể nói cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lại thiếu năng lực thực tiễn!
N.N.K (Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)