Cùng bàn luận
Nghĩ về lời dạy viết báo của Bác Hồ
Đội ngũ những người làm báo chí cách mạng Việt Nam vô cùng tự hào có một người thầy vĩ đại. Người thầy ấy đã từng lăn lộn trong cuộc sống để làm nghề, coi báo chí như một thứ vũ khí chính trị đặc biệt quan trọng để đòi độc lập, tự do cho Tổ quốc và quyền sống của nhân dân. Người thầy vĩ đại ấy được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Trong rất nhiều lời dạy của Bác Hồ về báo chí, có lẽ lời dạy với những nhà báo trẻ cách đây hơn nửa thế kỷ: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào...?” đang là thời sự nhất.
Nghĩ về những lời dạy của Bác, đối chiếu với thực tế báo chí và thực tế xã hội hôm nay, hình như rất nhiều người trong chúng ta đang có lỗi. Trước đây vài chục năm, báo chí mang tính văn bia, báo đã viết, đã nói là rất hiếm khi sai, đặc biệt càng hiếm khi sai sót có chủ đích. Ở các vùng quê, người dân mang theo những bài báo để tranh luận, giáo dục, cổ vũ mọi người làm theo báo bởi người dân coi thông tin trên báo là chân lý. Báo là tiếng nói của Đảng, của chính quyền, của lẽ phải; báo bênh vực, chở che lẽ phải, tôn vinh người tốt. Những người tốt, việc tốt được báo nêu gương thì trân trọng ấn phẩm đó như một gia tài…
Hôm nay, báo chí phát triển mạnh mẽ, nhưng báo chí trong lòng nhân dân có còn được như trước đây không? Nếu còn thì đó là điều vô cùng hạnh phúc cho những người làm báo, hạnh phúc cho đất nước và chế độ; nếu không thì vì sao? Chắc chắn không phải vì công chúng, mà vì chính những người làm báo đã làm mờ nhạt đi, yếu ớt đi hình ảnh, tiếng nói, vị thế của mình.
“Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào?” là câu hỏi cho người cầm bút, mà cũng là nhiệm vụ Bác giao cho đội ngũ nhà báo. Không thực hiện nghiêm chỉnh những câu hỏi đó, trước hết báo chí mất tính nhân dân. Một khi mất tính nhân dân thì tính Đảng cũng không còn, bởi Đảng ta không có mục đích nào khác là vì nhân dân. Mất tính nhân dân, vì thế sẽ đi ngược lại xu thế phát triển, sẽ là trở lực cho xã hội. Bất kỳ một sản phẩm báo chí nào của chế độ ta cũng đều phải chú ý tăng cường tính nhân dân, đậm đặc tính nhân dân cũng có nghĩa là hồng tươi tính Đảng, và ngược lại. Để có tính nhân dân, trước hết mỗi bài báo dù ngắn dù dài, ở báo Trung ương hay địa phương đều phải lấy nhân dân là đích đến, viết những điều nhân dân đang nghĩ, đang vui mừng hoan hỉ hay đang cùng cực khổ đau.
Mong rằng, các nhà báo khi cầm bút viết, dù một mẩu tin vắn hay một bài dài, hãy ngẫm lại lời dạy của Bác Hồ để cùng gìn giữ danh thơm nhà báo.
XUÂN BẰNG
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững