Cùng bàn luận
Những dấu hỏi phía sau hỏa hoạn
Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra - mà vụ nào cũng thuộc vào loại thảm họa, hung hãn. Chỉ riêng các vụ hỏa hoạn ở các quán karaoke thôi, đã có nhiều mạng người, nhiều của cải vật chất bị thiêu đốt một cách thảm khốc.
Vụ cháy kinh hoàng ở quán karaoke An Phú (Bình Dương) vào đêm 6/9 này đã làm 32 người thiệt mạng (chưa kể số bị thương). Vụ cháy thảm khốc trong quán karaoke ở Hà Nội mấy năm trước đã cướp đi 13 mạng người. Rồi cũng quán karaoke ở Hà Nội mới tháng trước đây (tháng 8/2022) đã cướp đi sinh mạng của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) khi xông vào biển lửa để cứu hơn 20 người, đưa họ đến nơi an toàn - còn các anh thì… nằm lại!
Dù không muốn nhắc lại những nỗi đau đến tột cùng của người ra đi và người ở lại - những nỗi đau xé lòng khi nghĩ đến những người thân yêu của mình trước khi bị thiêu rụi đã phải chống chọi trong đau đớn, rát bỏng, ngột ngạt… đến mức nào! Hình ảnh người mẹ trẻ (chỉ còn là bộ tro xương) dang rộng 2 tay ôm 2 con thơ vào lòng trước khi thành… tro bụi là hình ảnh nghẹn lòng, không có từ ngữ nào diễn tả nổi! Đó là những nỗi đau còn thấy được qua dấu vết, còn những nỗi đau đã bị giặc lửa thiêu đốt, sang phẳng… là như thế nào, chỉ có người ra đi mới hiểu!
Chỉ trong 5 năm gần đây đã có đến hơn 17.000 vụ cháy, nổ làm 433 con người bị chết cháy, 7.000 tỷ đồng vật chất đã tan thành tro bụi… Vật chất còn có thể làm lại được, còn sinh mạng con người thì...
Xin không nhắc lại những nỗi đau quá lớn cho những ai xấu số vì hỏa hoạn. Chỉ xin bộc bạch vài điều trăn trở trước thảm họa của những vụ hỏa hoạn. Và tôi cũng tự hỏi, những vụ hỏa hoạn thảm khốc đã qua có là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người đang sống?! Hỏi vì sao giặc lửa liên tục ập đến và liên tục cướp đi những mạng người vô tội (trong đó có không ít người già và trẻ em) mà chưa có cách nào ngăn chặn? Hỏi vì sao các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được quy định khắc khe bằng tất cả luật lệ có liên quan, nhưng cháy vẫn… cháy? Thậm chí còn cháy nhiều, chết nhiều?
Phải chăng quy định một đằng, thực hiện một nẻo, còn kiểm tra, giám sát theo một hướng riêng - hướng riêng đó là theo sự “thỏa ước” trong… kế hoạch?!
Thành thật mà nói, sau thời gian hốt hoảng, giật mình, các cơ quan, ban ngành đã rà soát kiểm tra, không chỉ địa bàn xảy ra cháy, nổ mà cả trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành. Xin liệt kê một vài con số để minh chứng và để cùng… giật mình! Xin bắt đầu từ Công an Đồng Nai: chỉ trong một đêm kiểm tra đã phát hiện trên 50 cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm PCCC. Tại TP. Hồ Chí Minh cũng phát hiện nhiều sai sót, vi phạm an toàn PCCC và đã xử lý hơn 90 cơ sở. Tại Hà Nội, sau khi kiểm tra, có đến 58% cơ sở kinh doanh karaoke không đạt yêu cầu về PCCC. Riêng Bình Dương, Công an đã kiểm tra gần 200 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar quy mô lớn, đã phát hiện và xử lý đến hơn một nửa trong số này vì vi phạm về quy định PCCC - cứu hộ cứu nạn. Nhiều địa phương khác cũng hưởng ứng ra quân, kiểm tra, rà soát trong cao điểm này.
Tuy nhiên vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra là: nếu những vụ cháy kinh hoàng không xảy ra thì liệu có phát hiện nhiều cơ sở vi phạm như thế không, còn địa phương nào “chưa bị lộ”? Rồi sau những đợt kiểm tra ồ ạt như vậy, hậu kiểm sẽ ra sao. Liệu cái cảnh “bắt cóc bỏ dĩa” có lập lại, liệu việc xử lý có triệt để khi phát hiện vi phạm?
Xin đừng tránh né và bảo rằng chúng ta (các cơ quan quản lý) đã làm hết trách nhiệm, đã kiểm tra, nghiệm thu chặt chẽ hệ thống PCCC. Luôn kịp thời nhắc nhở và xử phạt nghiêm minh các cơ sở kinh doanh vi phạm… Vậy thì sao vẫn còn có những vụ cháy kinh hoàng, cướp đi mạng sống của nhiều người như ở karaoke An Phú? Đã có câu trả lời khá “hồn nhiên” rằng: “Ngành chức năng Bình Dương đã kiểm tra, nhắc nhở khi phát hiện hệ thống điện có vấn đề ở quán karaoke An Phú, nhưng chủ cơ sở bỏ ngoài tai”. Điều đáng nói ở đây là “chủ cơ sở bỏ ngoài tai” thì ngành chức năng lẽ nào cũng hưởng ứng… bỏ theo?! Vì vậy, nếu cho rằng chủ cơ sở kinh doanh cẩu thả và hám lợi… dẫn đến lơ là PCCC để hậu quả khủng khiếp xảy ra. Tất nhiên là không sai, nhưng chắc hẳn còn khiếm khuyết, vì chỉ những ông chủ cơ sở kinh doanh chắc “chưa đủ điều kiện” để lấp đầy những “lỗ hổng” chết người chưa hẳn chỉ từ một phía?!
Trở lại các quy định về PCCC và các luật lệ liên quan, cho thấy đã đủ để ngăn chặn giặc lửa hoành hành. Nhưng thực thi ra sao, thực hiện thế nào và thực tế đã diễn ra những gì để hàng trăm người bị thiêu cháy trong mấy năm qua… Đã đến lúc cần có sự nghiêm túc nhìn lại, rút ra những bài học sâu sắc. Càng nghiêm túc, nghiêm minh thì những nỗi đau, mất mát, hy sinh của những người lính PCCC và người dân vô tội càng được giảm thiểu khi đối mặt với giặc lửa…
Vâng, thực thi, thực hiện, thực tế vừa là bài học kinh nghiệm, vừa có tính cảnh báo đến những ai thiếu ý thức hay lơ là trách nhiệm dẫn đến những thảm họa - trong đó các cơ quan quản lý, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke liên quan đến PCCC phải thực hiện nghiêm nghĩa vụ và trách nhiệm công dân của mình.
“Nếu vẫn cứ đổ lỗi cho gì gì đó hoặc xuề xòa đối phó cho qua những sóng gió ngay lúc hoành hành, thì không ai dám chắc hỏa hoạn kinh hoàng không còn tái diễn”!
N.N.K (bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp)