Cùng bàn luận

Những hạt sạn kỳ thi quốc gia

Thứ Hai, 06/07/2015 | 16:55

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có trên 1 triệu thí sinh đăng ký tham dự, trong đó 28% thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và 72% thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH-CĐ (so với các năm trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ và khoảng 20% thí sinh không dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ).

Bộ GD-ĐT cho rằng, điều đó đã khẳng định hiệu quả của công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong việc phân luồng học sinh, giảm chi phí do hồ sơ ảo. Ngoài ra, việc ra đề thi mở đã giúp phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước. Việc hạn chế ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện cũng tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi… Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc ở cả hai loại cụm thi. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn quá nhiều sự cố, nhiều vấn đề nảy sinh từ cuộc thi này mà Bộ GD-ĐT phải nghiêm túc nhìn nhận và phân tích thấu đáo để rút kinh nghiệm cho kỳ thi những năm sau.

Mặt khác, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra rằng, cấu trúc đề thi chỉ phân hóa được học sinh giỏi với học sinh trung bình - khá (tức là đề thi chỉ có những câu dễ và rất khó, ít câu giao thoa giữa dễ và khó), mà không phân hóa được học sinh trung bình và học sinh khá. Rồi việc tại sao Bộ GD-ĐT chọn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7 là thời điểm nắng nóng nhất trong năm, rất vất vả cho thí sinh, phụ huynh, lực lượng tình nguyện, an ninh, thể hiện qua việc có quá nhiều thí sinh bị sự cố về sức khỏe? Tại sao có tình trạng nhận lời giải từ bên ngoài vào nhưng sự việc chỉ được phát hiện từ phía công an trong khi trong phòng thi cán bộ coi thi không phát hiện được?

Đặc biệt, việc thí sinh quên buổi thi, Bộ GD-ĐT cho phép các cụm thi giải quyết cho các em đăng ký thi môn thi khác để xét tốt nghiệp theo Bộ GD-ĐT là sự “nhân văn” nhằm đảm bảo quyền lợi cho các em, nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng cách làm này đã vi phạm quy chế thi, không công bằng với các trường hợp khác. PGS Văn Như Cương phân tích, quên buổi thi tức là muộn từ 90 phút (đối với thi trắc nghiệm) hoặc 180 phút (đối với thi tự luận) thì được thi lại môn khác. Trong khi thí sinh khác muộn 15 phút đã không được vào phòng thi, lỡ dở luôn 1 năm, vậy công bằng ở đâu? Đó đều là những vấn đề mà xã hội đang đặt ra để Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương án thi cử năm sau.

S.G.G.P

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.