Cùng bàn luận
Phải chính danh thu nhập
Sau nhiều buổi tranh luận căng thẳng, cuối tuần qua Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đi đến thống nhất tăng 12,4% cho lương tối thiểu vào năm 2016. Theo đó, lương tối thiểu của các khu vực tăng tối đa thêm 500.000 đồng/người/tháng, kể ra cũng là một mức tăng đáng kể, nhưng so với đời sống thực tế thì mức tăng này chưa thấm tháp gì, thậm chí sẽ nhanh chóng “bão hòa” so với mức tăng của giá cả.
Người lao động (NLĐ) có thể hưởng được niềm vui với sự tăng lương được một khoảng thời gian ngắn, rồi sau đó mọi thứ có thể lại trở như cũ, với những gánh nặng về việc ăn mặc, chỗ ở, giải trí, cuộc sống của gia đình…, mà phần đông đang phải chật vật mới đủ sống. Cũng vì thu nhập thấp, sự chuyên tâm của NLĐ đối với công việc sẽ không bảo đảm, dẫn đến chất lượng và hiệu quả công việc không cao, dễ xảy ra tai nạn lao động, sai sót của sản phẩm…
Thu nhập lúc đi làm đã thấp thì lương hưu lại càng thấp. Cách tính lương hưu dựa trên lương bình quân của nhiều năm (hiện là 15 năm) gây rất nhiều thiệt thòi cho NLĐ. Vì vậy, một số NLĐ khi nghỉ làm chấp nhận lĩnh “một cục”, sau đó tìm việc khác làm hoặc có lĩnh lương hưu thì cũng không xem đó là thu nhập chính, mà phải đi làm thêm, buôn bán nhỏ hoặc dựa vào con cái, tức là có thể trở thành gánh nặng cho xã hội. Còn với một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, trước khi về hưu đã tìm những cách khác nhau để cải thiện thu nhập, tích lũy bằng bất động sản, vàng…, gọi là “để dưỡng già” chứ không chỉ dựa vào lương hưu. Chính tâm lý này thúc đẩy một số người có những hành động không thật sự đúng đắn, tích cực, để cố làm sao có thể có nguồn tích lũy.
Như vậy, trong xã hội có rất nhiều người đang sống bằng những nguồn thu nhập không chính danh. Đã không chính danh thì không kiểm soát được; không kiểm soát được thì rất khó đánh giá cũng như có biện pháp điều chỉnh phù hợp; đã không chính danh thì rất khó phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Để có thu nhập chính danh, về lâu dài phải cải cách triệt để vấn đề tiền lương, bao gồm việc tính các thang, biểu lương (hệ số lương, mức tăng và thời gian tăng cho từng bậc…), mức lương tối thiểu cho từng khu vực, rạch ròi về các phụ cấp, chế độ bảo hiểm… Gần hơn, phải quan tâm nhiều hơn đến các chế độ an sinh xã hội, như chăm sóc sức khỏe (bảo đảm người khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế được đối xử tốt và không phải đồng chi trả quá nhiều), chế độ giáo dục cho bản thân và con em NLĐ (trong đó, tổ chức công đoàn quan tâm thực hiện theo chức năng của mình), tính lại chế độ lương hưu sao cho bảo đảm NLĐ đã đóng lương hưu đúng quy định thì phải đạt được mức sống tối thiểu… Quá trình xây dựng chế độ lương và các vấn đề liên quan cần lắng nghe ý kiến của NLĐ, tổ chức đại diện NLĐ, đồng thời có những khảo sát khoa học, cụ thể.
Trịnh Minh Giang
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững