Cùng bàn luận
Phòng, chống dịch phải từ mỗi người dân
Nhiều địa phương trên cả nước cũng như các cơ quan chức năng đang nỗ lực khống chế dịch tả heo châu Phi. Trước những diễn biến mới của dịch, Thủ tướng Chính phủ vừa chủ trì hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống với tinh thần khẩn trương, "chống dịch như chống giặc" đối với 63 tỉnh, thành phố.
Qua đây có thể thấy, để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh nói chung và dịch tả heo châu Phi nói riêng, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan liên quan thì vai trò của người dân, cộng đồng xã hội đóng vị trí quan trọng, then chốt.
Ngay từ khi những ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi có dịch đã nhanh chóng thực hiện những biện pháp khống chế, như: Tiêu hủy toàn bộ số heo của hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng khu vực có dịch; lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt heo... Tuy nhiên, đây là dịch bệnh diễn biến phức tạp do tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Tác nhân gây bệnh có thể lây truyền qua nhiều đường, từ không khí, nước uống, thức ăn đến phương tiện vận chuyển nên việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ý thức phòng chống dịch của một bộ phận người dân chưa cao. Rõ ràng, những hiện tượng như khi người dân thấy gia súc nghi mắc bệnh nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng, âm thầm mang đi tiêu thụ hoặc tiêu hủy không đúng cách chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan. Không loại trừ khả năng heo mắc bệnh còn được vận chuyển đi xa khiến khu vực có dịch càng mở rộng.
Cùng với những giải pháp đồng bộ đang được các cấp, các ngành triển khai, vấn đề nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, cùng chung tay phòng chống dịch là công việc cấp thiết. Để làm được điều đó, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nhận thức đúng đắn về dịch bệnh này.
Đối với người chăn nuôi, thực hiện "5 không" như khuyến cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chính là giải pháp thiết thực góp phần dập tắt dịch; nhất là không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển heo mắc bệnh, heo chết, không giết mổ, tiêu thụ để tránh mầm bệnh lây lan. Việc bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, quan tâm đến nguồn thức ăn, phòng bệnh, không sử dụng thức ăn chăn nuôi dư thừa, chưa qua xử lý loại trừ mầm bệnh cũng là các biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch.
Quan tâm đầu tư, nhân rộng những mô hình chăn nuôi tập trung, khép kín, ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc xây dựng chuỗi sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần phải được phổ biến và nhân rộng hiệu quả. Từ đó, không chỉ tạo "vành đai" bảo vệ an toàn cho vật nuôi mà còn giúp cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
ĐỖ MẠNH HƯNG
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ