Cùng bàn luận
Phòng, chống “nói không nhất quán”
Không phải ngẫu nhiên Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: “Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.
Tại sao phải kiên quyết chống “Nói không nhất quán”, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược của Đảng? Bởi vì, cán bộ cấp chiến lược là đội ngũ tinh hoa nhất của xã hội, bất cứ lời nói, cử chỉ, hành vi, việc làm nào của những đồng chí này cũng có tác động đến xã hội. Nếu cán bộ không chú trọng giữ gìn lời ăn tiếng nói chỉn chu, chuẩn mực, hôm nay nói thế này, mai nói thế khác, ở chỗ này nói một đằng, ở chỗ kia nói một nẻo, sẽ khiến dư luận xã hội phân tâm, lòng dân dao động, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.
Tự thân từ “nhất quán” bao hàm nghĩa tính thống nhất từ đầu đến cuối, trước sau không mâu thuẫn, trái ngược nhau. Nói nhất quán tưởng như dễ, nhưng lại không đơn giản chút nào nếu như cán bộ thiếu lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu kinh nghiệm văn hóa ứng xử trong những tình huống mới phát sinh, khó khăn, phức tạp hay dễ bị cuốn theo “tâm lý đám đông” chi phối. Thực tế cho thấy, có những cán bộ do không làm chủ được bản thân, hoặc do thiếu nhãn quan chính trị cần thiết nên có những phát ngôn tự mâu thuẫn với chính mình. Đáng nói hơn, có cả những cán bộ hoặc là muốn “đánh bóng” tên tuổi cá nhân, hoặc là sa vào chủ nghĩa dân túy tầm thường nên hay nói những lời đường mật, vuốt ve nhằm “lấy lòng” dân, mà thực chất là mị dân.
Kiên quyết chống “nói không nhất quán” không chỉ là sự cảnh tỉnh, cảnh báo những thái độ, ý thức phát ngôn không đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực của cán bộ, đảng viên mà còn là giải pháp phòng ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhất là trong bối cảnh xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, khi các phương tiện truyền thông xã hội đang có xu hướng can thiệp vào đời sống chính trị thì việc phát ngôn chuẩn mực, nói năng nhất quán của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao, không chỉ nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng mà còn góp phần củng cố, tăng cường thống nhất về ý chí và hành động cũng như nâng cao sức mạnh tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức trong toàn Đảng.
THIỆN VĂN
- 100 học sinh Bạc Liêu được nhận học bổng Báo Dân Trí
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội điểm tại Đảng bộ xã Ninh Thạnh Lợi A
- TP. Bạc Liêu: Hơn 240 đại biểu được tập huấn nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Tổng kết Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” năm 2024
- Huyện Hồng Dân: Đồng bào Khmer đổi đời nhờ các chương trình hỗ trợ