Cùng bàn luận

Phòng vệ quốc gia

Thứ Hai, 11/11/2013 | 18:18

“Cuộc diễu binh” đáng sợ, đầy đe dọa của siêu bão Haiyan từ nam miền Trung ra tới đồng bằng ven biển Bắc bộ đã kéo 2/3 đất nước ta vào cuộc “phòng vệ quốc gia” có quy mô lớn nhất từ trước tới nay…

Dù so với dự báo ban đầu, siêu bão Haiyan sau khi tiến sâu vào biển Đông chỉ di chuyển dọc bờ biển miền Trung, cách đất liền ngót 200km, nhưng đây là cơn bão có đường đi rất lạ sau khi đã tới gần bờ.

Hơn 1 triệu người đã phải rời nhà mình trong cuộc sơ tán khẩn cấp có diện rộng nhất từ trước tới nay, kéo dài từ nam miền Trung ra tới Hà Nội và các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc bộ. Bão Haiyan đã thử thách khả năng phòng vệ của cả đất nước, chứ không chỉ vài địa phương. Một “bộ tư lệnh miền” đã được thiết lập khẩn cấp, đặt bản doanh tại Đà Nẵng và do một phó thủ tướng đích thân làm tư lệnh, thể hiện quyết tâm và sự điều hành ứng phó bão ở mức cao nhất, hữu hiệu nhất. Các “tư lệnh vùng” là các chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp xuống những điểm nóng và những nơi có nguy cơ cao nếu bão đổ bộ để cùng dân “đón” bão.

Điều may mắn lớn nhất cho miền Trung là siêu bão Haiyan cuối cùng không đổ bộ trực diện vào khu vực này. Tuy nhiên, cái cách từ dân tới chính quyền căng mình ra chuẩn bị ứng phó đã cho thấy miền Trung nhạy cảm thế nào trước những cơn bão. Hãy coi mỗi cuộc phòng thủ trước bão giống như mỗi trận đánh lớn khi đất nước đứng lên phòng vệ. Trong đó, yếu tố nhân dân là yếu tố chủ đạo nổi bật: sự đoàn kết, ý thức tự giác, tình dân trong bão lũ, những sáng kiến khi đối đầu bão. Chính quyền thì lãnh đạo những cuộc di dân tạm thời hợp lý và khoa học, vạch ra những phương án, thực thi những biện pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại cho nhân dân, chuẩn bị những phương tiện và cách thức ứng cứu hữu hiệu nhất khi bão đổ bộ…

Tất cả đều giống với tư duy và hành động của một bộ chỉ huy quân sự trong công cuộc phòng thủ quốc gia trước kẻ thù xâm lược.

Siêu bão Haiyan, dù không trực tiếp vào Việt Nam khi đang ở cường độ bão mạnh nhất, nhưng về tác động khách quan, đã “kiểm tra” được khả năng chuẩn bị phòng vệ quốc gia của Việt Nam. Đó là khả năng ứng phó với những tình huống xấu nhất, những diễn biến bất ngờ nhất bằng chính sự chuẩn bị tốt nhất, nhanh nhạy nhất, tự giác và đoàn kết nhất.

Thanh Thảo

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.